Sức khỏe doanh nghiệp
Gemadept báo lãi tăng 29% trong 7 tháng, cổ phiếu cảng biển thuộc nhóm “phòng thủ” tốt
T.L - 09/08/2021 15:36
CTCP Gemadept (HoSE: GMD) vừa công bố BCTC hợp nhất 7 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận 450 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ nhờ doanh thu cảng biển và doanh thu tài chính tăng mạnh.
Gemadept có triển vọng tăng trưởng tốt song cổ phiếu GMD đã được định giá khá cao.

Lãi lớn nhờ khai thác cảng và thanh lý tài sản đầu tư

Trong 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Gemadept đạt 1.678 tỷ đồng, tăng 19%.

Đóng góp chính cho doanh thu thuần vẫn là hoạt động khai thác cảng biển với 1.447 tỷ đồng, tăng 22% và chiếm 86,2% tổng doanh thu của công ty. Doanh thu từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng và các hoạt động khác chỉ tăng nhẹ. Do giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, lãi gộp của công ty đạt 656 tỷ đồng, chỉ tăng 13% so với 7 tháng đầu năm 2020

Doanh thu tài chính của công ty cũng tăng rất mạnh với 30,8 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Tăng mạnh nhất là lãi từ thanh lý các khoản đầu tư với 22,8 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ; lãi tiền gửi ngân hàng đạt 2,44 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần cùng kỳ; lãi từ chênh lệch tỷ tỷ giá 1,99 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ…

Trong khi doanh thu tài chính tăng mạnh thì chi phí tài chính lại giảm 21% còn 82 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí lãi vay chỉ còn 69 tỷ đồng, giảm 22,5%.

Một điểm sáng nữa của công ty là phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt 120 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí quản lý cũng giảm 11% nhờ khoản phân bổ lợi thế thương mại bằng gần nửa cùng kỳ, bù đắp phần nào cho chi phí bán hàng tăng 18% lên hơn 87 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, Gemadept đạt  lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 331 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh theo hai kịch bản tăng trưởng.

Trong kịch bản lạc quan, doanh thu dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 7% và 37%. Ở kịch bản trung bình, công ty kỳ vọng doanh thu tăng 4% lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, tăng 23%. Như vậy, công ty đã hoàn thành 60% chỉ tiêu doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản lạc quan.

Tính đến 31/7, tổng tài sản của công ty đạt 10.254 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong tháng 7, tiền và tương đương tiền tăng thêm 128 tỷ lên gần 627 tỷ đồng, tương đương mức tăng 46% so với đầu năm. Khoản phải thu giảm 62 tỷ đồng từ đầu tháng 7 xuống mức 1.016 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn khách hàng là 442 tỷ đồng.  

Về đầu tư tài chính, các khoản đầu tư vào 16 công ty liên doanh, liên kết không biến động nhiều so với đầu năm, giá trị đầu tư tại cuối tháng trước là 2.461 tỷ đồng. 

Nợ phải trả tính tới ngày 31/7 ghi nhận gần 3.337 tỷ đồng. Trong đó tổng nợ vay là 1.746 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn gồm 1,057 tỷ đồng, giảm 7%so với đầu năm, tập trung tại khoản vay ngân hàng VIB – Chi nhánh Sài Gòn (583 tỷ đồng), Shinhan Việt Nam (147 tỷ đồng), VietinBank – Chi nhánh TP HCM (110 tỷ đồng)… Công ty còn nợ thuê tài chính Global Container Internationnal LLC 74 tỷ đồng.

Dư nợ vay ngắn hạn của công ty là hơn 689 tỷ đồng (giảm 10% so với đầu năm), gồm khoản ay các ngân hàng 260 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính đến hạn trả 308 tỷ đồng, vay Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn 120 tỷ đồng.

Mới đây, Gemadept vừa thông báo sẽ chốt danh sách trả cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 12%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng, tương đương công ty sẽ chi 361,6 tỷ đồng để trả cổ tức. Ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 16/8 và thời gian thanh toán bắt đầu từ ngày 16/9/2021.

Tại thời điểm 30/7/2021, công ty có vốn chủ sở hữu 6.917 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối là 741 tỷ đồng.

Cổ phiếu cảng biển sẽ còn hấp dẫn

Theo chia sẻ của lãnh đạo Gemadept, động lực chính để tăng trưởng mạnh năm nay là khối khai thác cảng. Công ty đặt mục tiêu tăng thị phần khai thác cảng từ 11% năm ngoái lên 19% năm nay và đạt 23% vào năm 2025 nhờ trọng tâm là khối cảng Hải Phòng (phía Bắc) và cảng nước sâu Gemalink (phí Nam).

Tại khu vực phía Bắc, sản lượng phục vụ trong nửa đầu năm ước đạt 500.000 teus, tăng 18% so với năm 2020. Sản lượng này tăng từ nửa quý II trở đi sau khi công ty tập trung công tác quản trị nhằm đưa khối cảng tại Hải Phòng vào top đầu khu vực.

Cụm cảng Hải Phòng có 16 cảng với chiều dài 6,1 km, khu vực thượng lưu từ cầu Bạch Đằng gồm 8 cảng chiếm 25% thị phần khai thác, khu vực hạ lưu gồm 7 cảng chiếm 62% thị phần (bao gồm Nam Đình Vũ) và 13% còn lại là cảng Lạch Huyện. Với lợi thế có cầu tàu dài nhất khu vực, Nam Đình Vũ có thể đón nhiều tàu cùng lúc và đón tàu có trọng tải lớn hơn.

Tại khu vực phía Nam, trọng tâm vẫn đang là dự án cảng nước sâu Gemalink. Sản lượng tại cảng này ước đạt 300.000 - 320.000 teus trong nửa đầu năm và dự kiến cả năm sản lượng có thể đạt 900.000 - 1.100.000 teus. Gemadept đặt mục tiêu Gemalink sẽ có lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động, tối thiểu là 1 triệu USD.  

Kết thúc phiên giao dịch chiều 9/8, cổ phiếu GMD đang đứng ở mức 49.100 đồng/cổ phiếu, tăng 52% so với đầu năm. Thời gian gần đây, cổ phiếu GDM và các cổ phiếu ngành cảng biển khác liên tục nổi sóng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNdirect, Gemadept là doanh nghiệp khai thác cảng biển hiếm hoi của Việt Nam có khả năng cung cấp chuỗi dịch vụ logistics khép kín. Có nhiều yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của cổ phiếu GMD là: có triển vọng tăng trưởng dài hạn, hoạt động trong ngành có nhiều tiềm năng, cảng nước sâu Gemalink có công suất vượt trội... 

Mặc dù vậy, định giá cổ phiếu GMD đã không còn rẻ sau một thời gian dài tăng giá, do đó, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhà đầu tư nên theo sát động lực tăng trưởng của Gemadept đến từ cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2. 

Nhìn chung, cổ phiếu ngành cảng biển vẫn hấp dẫn. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích FiinGroup, cổ phiếu cảng biển thuộc nhóm “phòng thủ” tốt trong bối cảnh đại dịch Covid 19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành hiện nay.

Còn theo báo cáo triển vọng nửa cuối năm của Chứng khoán Agribank (Agriseco), khả năng nguồn cung về tàu chứa sẽ tiếp tục thấp trong những tháng tới đây. Cùng với đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa được kỳ vọng sẽ tăng lên trong hai quý cuối năm do đây là thời điểm có nhiều ngày lễ lớn như Giáng Sinh, năm mới. Nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng nguồn cung sẽ không đáp ứng được nhu cầu trong các tháng cuối năm, do vậy dự báo giá cước vận tải thủy quốc tế sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới, giúp các doanh nghiệp vận tải thủy, doanh nghiệp cảng biển hưởng lợi.

Tin liên quan
Tin khác