Thu nhập chính của công ty mẹ Gemadept không phải đến từ kinh doanh bán hàng hoặc dịch vụ, mà từ hoạt động tài chính. . |
Nghịch lý
Quý II/2019, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ Gemadept là 55,8 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này lên tới hơn 90 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh lũy kế 6 tháng đầu năm của đại gia ngành logistics này cũng cho thấy, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 114,8 tỷ đồng, thấp hơn so với con số 121,9 tỷ đồng của lợi nhuận sau thuế.
Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của công ty mẹ Gemadept có thể thấy, thu nhập chính của công ty này không phải đến từ kinh doanh bán hàng hoặc dịch vụ, mà từ hoạt động tài chính. Theo đó, doanh thu tài chính riêng quý II/2019 của Gemadept lên tới 164,6 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần so với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ mới là nguồn thu chính. 6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính lên tới 214,5 tỷ đồng, bằng gần 1,9 lần doanh thu bán hàng và dịch vụ. Đây cũng chính là lời giải cho nghịch lý lợi nhuận lớn hơn cả doanh thu bán hàng và dịch vụ của công ty mẹ Gemadept.
Doanh thu tài chính nửa đầu năm 2019 của Gemadept vẫn chưa thấm vào đâu so với doanh thu tài chính nửa đầu năm ngoái, với giá trị lên tới 1.851 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần doanh thu bán hàng và dịch vụ. Cơ cấu doanh thu tài chính trong 2 thời kỳ cũng có nhiều thay đổi, nếu như nửa đầu năm nay, phần lớn doanh thu tài chính đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia (khoảng 200 tỷ đồng), thì phần lớn doanh thu tài chính năm trước của đại gia này lại đến từ lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư (khoảng 1.732 tỷ đồng).
Hơn 500 tỷ đồng trích lập dự phòng
Tại thời điểm 30/6/2019, công ty mẹ Gemadept có tổng tài sản là 6.555 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư tài chính dài hạn đã tới 5.007 tỷ đồng, chiếm 76,4% tổng tài sản, chưa kể đầu tư tài chính ngắn hạn.
Gemadept hiện tại có tổng cộng 18 công ty con và 10 công ty liên doanh, liên kết, giảm 1 công ty con so với thời điểm đầu năm. Trong số các công ty con, Gemadept nắm 100% vốn tại 8 công ty, 99,98% tại 1 công ty. Đặc biệt có 1 công ty Gemedept nắm tỷ lệ dưới 50% (là Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Trường Thọ), nhưng vẫn là công ty con do một số cổ đông ủy quyền cho Gemadept, nên tỷ lệ biểu quyết của Gemadept tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tại công ty này đạt 54%.
Trong khi đó, số cổ phần Gemadept nắm giữ tại Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept Termina Link là 51%, nhưng đây chỉ là công ty liên kết do Điều lệ của Gemadept Termina Link quy định các nghị quyết cổ đông phải được ít nhất 76% số cổ phần thông qua.
Cơ cấu tài sản như trên của công ty mẹ Gemadept cho thấy, phần lớn hoạt động của doanh nghiệp này nằm ở các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cụ thể là các công ty con, liên doanh, liên kết. Đây cũng mô hình được một số doanh nghiệp áp dụng, theo đó, công ty mẹ hoạt động kinh doanh trực tiếp rất ít, thậm chí hầu như không kinh doanh, mà các hoạt động chính nằm ở các công ty con, công ty liên kết.
Riêng với công ty mẹ Gemadept, thì một trong những điểm đáng chú ý là khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn khá lớn, với giá trị tại thời điểm 30/6/2019 lên tới 521 tỷ đồng, chiếm tới hơn 10,4% tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn của Gemadept. Số tiền dự phòng cũng chiếm gần 8% tổng tài sản của doanh nghiệp này.
Ngoài các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, Gemadept còn có một số khoản góp vốn với danh nghĩa “đầu tư góp vốn vào đơn vị khác”. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về các khoản này, đại diện Gemadept cho biết, khoản đầu tư tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải được góp vốn từ năm 2006 dưới dạng đầu tư chiến lược, đầu tư tại Công ty Xây dựng Mặt trời Đông Dương từ năm 2009 là dạng hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, còn hai khoản đầu tư dài hạn tại Công ty Quản lý Trí tuệ Việt đầu năm 2007 và Công ty Chứng khoán Công nghiệp năm 2010 (hiện Gemadept đang thoái vốn).