Cảng Gemalink là một trong 19 cảng nước sâu trên toàn cầu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT |
Át chủ bài của Gemadept năm 2021
Cảng Gemalink đã đón con tàu đầu tiên vào tháng 1/2021. Theo kế hoạch, cảng sẽ chính thức khai trương vào tháng 5/2021, dự kiến khai thác ít nhất 80% công suất thiết kế ngay trong năm nay và khai thác hết công suất 1,5 triệu TEU từ năm 2022.
Cảng Gemalink được khởi công xây dựng từ tháng 2/2019. Đây là một trong 19 cảng nước sâu trên toàn cầu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT. Cảng có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 520 triệu USD cho 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn I là 330 triệu USD và giai đoạn II là 190 triệu USD.
Năng lực xếp dỡ của Cảng trong giai đoạn I là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm. Trong giai đoạn I, Cảng khai thác 800 m cầu bến chính, đảm bảo tiếp nhận cùng lúc 2 tàu mẹ và 230 m bến dành cho tàu tiếp vận và sà lan, trên diện tích 33 ha.
Rủi ro liên quan đến quản lý tài sản
Theo kế hoạch của Gemadept, giai đoạn II của Cảng Gemalink sẽ được triển khai ngay trong năm 2021, với mục tiêu có thể đón được tàu lên đến 250.000 DWT.
Việc đưa Gemalink vào khai thác trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh doanh cho Gemadept sau năm 2020 lợi nhuận bị sụt giảm mạnh.
Cách đây 1 năm, Gemadept đã đưa ra 2 kịch bản kinh doanh cho năm 2020. Kịch bản 1 lạc quan hơn với mục tiêu doanh thu 2.150 tỷ đồng, bằng 81% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế theo kịch bản 1 là 500 tỷ đồng, bẳng 71% thực hiện năm 2019. Kịch bản 2 kém lạc quan hơn, với doanh thu chỉ là 2.000 tỷ đồng, bằng 76% so với năm 2019 và lợi nhuận trước thuế là 430 tỷ đồng, bằng 61% so với năm 2019.
Kết thúc năm 2020, doanh thu thực tế của doanh nghiệp này đạt 2.604 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra. Dẫu vậy, doanh thu của Gemadept vẫn giảm nhẹ so với kết quả 2.643 tỷ đồng của năm trước đó.
Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận không được khả quan như kết quả doanh thu mà doanh nghiệp này đạt được. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Gemadept đạt 438 tỷ đồng, chỉ cao hơn so với kịch bản 2 và thấp hơn khá nhiều so với kịch bản 1.
Ngoài các con số kinh doanh, bức tranh tài chính của Gemadept cũng vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến quản trị tài sản. Những rủi ro về hàng tồn kho và các khoản phải thu nhìn trên quy mô doanh nghiệp hiện không lớn, như xu hướng gia tăng về tỷ lệ các khoản phải trích lập dự phòng cũng là một tín hiệu cảnh báo.
Hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2020 là 72,7 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước đó, nhưng dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại tăng 35,5%, đạt giá trị 4,2 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020. Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng, trong khi giá trị phải thu ngắn hạn giảm, làm cho tỷ lệ các khoản phải thu phải trích lập dự phòng có chiều hướng tăng so với đầu năm. Cụ thể, chỉ số này tăng từ 1,1% tại thời điểm đầu năm, lên 1,2% vào cuối năm.
Loại tài sản kém hiệu quả nhất phải kể đến là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Công ty đã đầu tư 49,3 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, nhưng phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2020, một số khoản đầu tư chứng khoán dẫn đến thua lỗ của Gemadept gồm có các khoản mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Quốc dân, Công ty cổ phần Thép Việt Đức, Công ty cổ phần Khoáng sản Mangan… và một số khoản đầu tư nhỏ khác.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, Dự án Cảng Gemalink sẽ là động lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Gemadept trong trung và dài hạn. Cảng Gemalink là cảng duy nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 200.000 DWT. Theo đó, Dự án Gemalink mang lại lợi thế lớn cho Gemadept so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Các chuyên gia Phú Hưng dự đoán, doanh thu năm 2021 của Gemadept có thể đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 541 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020.