Ngoài các khoản tiền bị bốc hơi do đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, Gemadept còn bị hao hụt một số khoản đầu tư vào các công ty con/liên kết. Ảnh: Lê Toàn |
“Còng lưng” trích lập dự phòng
Tại bảng cân đối kế toán hợp nhất quý III/2019 của Công ty cổ phần Gemadept có khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh theo giá gốc là 140,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành logistics này phải trích lập dự phòng lên tới hơn 67,6 tỷ đồng cho khoản đầu tư này, khiến giá trị hợp lý còn lại chỉ còn khoảng già nửa so với giá trị đầu tư ban đầu. So với thời điểm đầu năm, số tiền phải trích lập dự phòng cho đầu tư chứng khoán kinh doanh cũng diễn ra theo chiều hướng tăng, bởi con số trích lập hồi đầu năm mới là 61,5 tỷ đồng.
Việc phải “còng lưng” trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh càng tạo thêm gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với sự sa sút về lợi nhuận từ những lý do khác.
Theo báo cáo thu nhập quý III/2019 của Gemadept, Công ty đạt doanh thu thuần hợp nhất là 697,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả 699 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 200 tỷ đồng, tăng khoảng 15,6% so với cùng kỳ. Tuy lợi nhuận quý III tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 547 tỷ đồng, giảm mạnh tới 68% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ là 450,5 tỷ đồng, giảm tới hơn 73% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Trong nội dung giải trình về sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept cho biết, nguyên nhân chủ yếu là 9 tháng đầu năm 2018, Công ty được nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng một phần vốn góp trong Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings, Công ty TNHH CJ Gemadept Shipping Holdings, Công ty cổ phần Tiếp vận và Cảng quốc tế Gemadept Hoa Sen.
Điểm qua các khoản đầu tư… đáng quên
Các khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh mà Gemadept rất muốn… quên chủ yếu tập trung vào 3 khoản chính với một ngân hàng, một công ty thép, một doanh nghiệp ngành khoáng sản.
Khoản đầu tư có giá trị lớn nhất là khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quốc Dân, với giá gốc khi đầu tư lên tới gần 95 tỷ đồng. Song giá trị hợp lý được xác định tiếp tục giảm dần theo thời gian, nếu tại thời điểm đầu năm 2019 vẫn còn hơn 62,6 tỷ đồng, thì đến ngày 30/9 chỉ còn khoảng 58,5 tỷ đồng. Theo đó, Công ty đã phải trích lập dự phòng 36,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào ngân hàng này.
Mặc dù khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quốc Dân là khoản đầu tư tài chính dẫn đến hao hụt tiền nhiều nhất về mặt giá trị tuyệt đối, nhưng khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Khoáng sản Masan mới là khoản đầu tư khiến Gemadept bị mất vốn nhiều nhất, nếu tính về mặt tỷ lệ. Cụ thể, toàn bộ giá trị đầu tư gốc hơn 14 tỷ đồng vào công ty này đã được xác định là mắt trắng, với giá trị hợp lý được xác định không còn đồng nào tại thời điểm ngày 30/9/2019.
Một khoản đầu tư khác có quy mô không lớn như khoản đầu tư tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân, nhưng có tỷ lệ mất vốn lớn hơn, đó là khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Thép Thủ Đức. Giá trị gốc cho khoản đầu tư này là 31,5 tỷ đồng, nhưng giá trị hợp lý bị giảm dần đều, chỉ còn hơn 16,5 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2019 và tiếp tục giảm xuống 14,6 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2019.
Ngoài các khoản tiền bị bốc hơi do đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, một số khoản đầu tư vào các công ty con/liên kết cũng bị hao hụt vốn so với giá gốc. Một số khoản đầu tư vào công ty con/liên kết có phát sinh thua lỗ về giá trị đầu tư gồm các khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Liên hiệp Thực phẩm (lỗ gần 21,3 tỷ đồng), Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (lỗ hơn 136 tỷ đồng), một số công ty liên doanh/liên kết khác (lỗ gần 19,8 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, Gemadept cũng có một số khoản đầu tư vào công ty liên doanh/liên kết mang lại lợi nhuận, nên tổng số các khoản đầu tư vào liên doanh/liên kết tính đến ngày 30/9/2019 vẫn có lãi hơn 9 tỷ đồng.