Để được hưởng lợi lớn về xuất khẩu từ TPP, dệt may phải chịu áp lực không nhỏ trong việc đảm bảo tỷ lệ xuất xứ từ sợi trở đi. Ảnh: Đ.T |
Dự kiến, đợt phát hành của G.Home sẽ được thực hiện vào cuối tháng 11 tới và G.Home sẽ dành 8 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định. Cụ thể, Công ty sẽ đầu tư vào phân xưởng bông với thiết bị nhập khẩu từ Hàn Quốc nguyên giá 145.000 USD (tương đương 3,255 tỷ đồng) và đầu tư mua 4 máy chần vi tính phục vụ phân xưởng chần với đơn giá 52.840 USD (tương đương 4,745 tỷ đồng).
Trong kế hoạch sử dụng vốn lần này, G.Home cũng dự kiến bổ sung 40 tỷ đồng vốn lưu động, đồng thời đầu tư nhà máy sản xuất vải không dệt tại Phú Thọ và nhà máy sản xuất bông tại khu vực phía Nam.
Nói về chiến lược đầu tư của G.Home trong thời gian tới, ông Nguyễn Hách, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, với cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhu cầu nguyên phụ liệu ngành dệt may là rất lớn, nên G.Home sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư sản xuất, cung ứng nguyên liệu ngành dệt may.
“Việc G.Home đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bông ở khu vực phía Nam cũng nằm trong chiến lược chung này”, ông Hách nói và cho biết, đây cũng là lần đầu tiên G.Home thiết lập cơ sở sản xuất tại khu vực phía Nam, với mục đích tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Ngoài lĩnh vực chủ lực là sản xuất các sản phẩm bông tấm và bông chần, trong năm 2014, G.Home cũng đầu tư thêm dây chuyền gia công may mặc xuất khẩu, nhưng theo ông Hách, lĩnh vực này tạm thời chưa đóng góp nhiều trong cơ cấu doanh thu của G.Home, dự kiến hết năm 2015 chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu.
G.Home là một doanh nghiệp mới cổ phần hóa từ tháng 4/2014 và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán G20 từ đầu tháng 9/2015, nhưng đã được giới đầu tư khá quan tâm, bởi hoạt động trong lĩnh vực “hot” là sản xuất nguyên liệu dệt may.
Khi tham gia TPP, dệt may là ngành sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ xuất khẩu, nhưng áp lực cũng không nhỏ trong việc đảm bảo tỷ lệ xuất xứ từ sợi trở đi. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước được đặt kỳ vọng khá nhiều trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu có xuất xứ trong nước cho các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm dệt may khác.
Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSC) cho biết, việc sản xuất tập trung trong lĩnh vực nguyên liệu bông chính là một trong những lợi thế lớn nhất của G.Home. Công ty có thể cung cấp cho khách hàng các sản phẩm trọn gói từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm hoàn chỉnh.
Hiện nay, về năng lực sản xuất bông tấm và bông chần, G.Home có 2 dây chuyền với 15 máy chần vi tính, mỗi ngày sản xuất được 450 tấn bông tấm, 100 tấn bông chần và 8 tấn bông đánh tơi. Ngoài ra, trong mảng sản xuất các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm, G.Home hiện có 2 dây chuyền.
Với lĩnh vực may gia công xuất khẩu, G.Home có 8 dây chuyền, với 400 máy may công nghiệp công suất khoảng 1.200 sản phẩm/ngày. Mặc dù đây chưa phải sản phẩm chủ lực trong thời điểm hiện tại, nhưng cơ cấu doanh thu từ sản phẩm này sẽ dần tăng lên và có thể đạt 30% tổng doanh thu của G.Home trong giai đoạn từ năm 2018 trở đi.