Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Công ty Aramco ở Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 nhích 10 cent, tương đương 0,1%, lên 85,24 USD/thùng vào lúc 03:30 GMT ngày 4/8 trong khi giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 9 tăng 17 cent, tương đương 0,2%, lên 81,72 USD/thùng.
Cả dầu Brent và WTI đều đã tăng giá sáu tuần liên tiếp - chuỗi tăng hàng tuần dài nhất trong năm nay. Cụ thể, giá dầu Brent đã tăng 15,4% trong sáu tuần qua trong khi giá dầu WTI vọt lên 18,2%.
Saudia Arabia đã tuyên bố gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 9. Còn Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày trong tháng 9, hãng tin Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak.
Các nguồn tin của Reuters cho biết Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) khó có thể điều chỉnh chính sách sản lượng tổng thể tại cuộc họp tuần này. Nhưng động thái của Saudi Arabia và Nga trước cuộc họp quan trọng của liên minh OPEC+ đã làm tăng mối lo ngại về nguồn cung, đẩy giá dầu đi lên.
Trong khi đó, người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ - nhà sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới - sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường năng lượng thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, loạt dữ liệu mới nhất của Mỹ cho thấy thị trường lao động bị thắt chặt và lĩnh vực dịch vụ chững lại đã làm dấy lên một số lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ hạn chế nhu cầu dầu mỏ và gây áp lực giảm giá, ngay cả khi nguồn cung bị cắt giảm.
"Đồng USD mạnh đã gây áp lực lên giá dầu thô và mọi người đều muốn biết liệu thị trường lao động nóng lên có buộc Fed phải thắt chặt chính sách hơn nữa hay không", ông Edward Moya, nhà phân tích tại công ty dữ liệu trao đổi ngoại tệ OANDA (Mỹ), cho biết.
Ngoài ra, suy thoái kinh doanh ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tồi tệ hơn so với dự đoán vào tháng 7 trong khi Ngân hàng Trung ương Anh ngày 3/8 đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm. Lãi vay tăng cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Thế nhưng, bà Tina Teng, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets, cho rằng triển vọng nhu cầu dầu mỏ được cải thiện và nguồn cung khan hiếm có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường dầu mỏ.
"Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp (bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động - BTV) sắp tới của Mỹ sẽ là tâm điểm và định hướng tâm lý thị trường", bà Teng lưu ý.