Dịch vụ du lịch ở nhiều nơi đang tăng cao, khiến ngành lữ hành thêm khó khăn. (Ảnh mang tính minh họa) |
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc FiveStar Travel chia sẻ, từ giữa tháng 4, người làm du lịch cả nước đã sẵn sàng tâm thế hoạt động nhịp nhàng. Một số địa phương có hỗ trợ giảm giá vé tham quan, du khách được hưởng thuế giá trị gia tăng 0,02%. Tuy những ưu đãi này chưa nhiều, nhưng cũng phần nào khích lệ doanh nghiệp và du khách.
Song “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, thời gian gần đây, giá xăng liên tục tăng cao, kéo theo hàng loạt dịch vụ như vận chuyển, ăn uống, khách sạn đều tăng giá, khiến các doanh nghiệp lữ hành khó chồng khó.
“Sau hơn 2 năm Covid-19, thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng và trong suy nghĩ của họ, dịch bệnh khiến giá tất cả dịch vụ đều rẻ hơn, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn, nhưng thực tế lại không như vậy. Không ít khách hàng cảm thấy hụt hẫng khi nhận được báo giá của công ty lữ hành vì quá cao. Trong khi đó, chúng tôi không nâng giá để hưởng lợi nhuận, mà do giá hầu hết dịch vụ đều tăng cao”, ông Doanh cho hay.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong tháng 5/2022, lượng khách nội địa tăng 14% so với tháng 4 và tăng 243% so với cùng kỳ 2021. Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa, khi 5 tháng đầu năm đón 48,6 triệu lượt.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng khoảng 1,9 lần so với tháng 4, đạt 136.000 lượt. Trong 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế ước đạt 228.400 lượt. Tổng thu toàn ngành 5 tháng đầu năm ước đạt 211.000 tỷ đồng.
Theo CEO FiveStar Travel, nếu giá cao nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn, nhiều trải nghiệm cho du khách hơn thì chẳng nói làm gì, nhưng đằng này nhà hàng, khách sạn tăng giá cao hơn cả trước dịch, mà chất lượng dịch vụ lại kém hơn rất nhiều. “Vừa rồi FiveStar Travel có những đoàn du khách đi tour Đà Lạt, Mũi Né, các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống đều thiếu nhân sự, cơ sở vật chất chưa phục hồi 100% như trước dịch nên phục vụ chậm, không chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ, khách lại phải trả chi phí cao nên họ rất thất vọng”, ông Doanh dẫn chứng.
Khi gặp những tình huống như vậy, doanh nghiệp lữ hành rất khó xử vì họ là những người kết nối dịch vụ và đứng ở giữa, chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng, nên chịu tiếng xấu. Mặc dù, khi tư vấn tour cho du khách, nhân viên các hãng lữ hành đã phải giải thích rõ về tình trạng từng dịch vụ.
Do đó, để đảm bảo uy tín, ông Doanh cho biết, FiveStar Travel hiện chỉ đẩy mạnh các tour du lịch Lâm Bình (Tuyên Quang) do doanh nghiệp có 2 homestay phục vụ lưu trú và ăn uống tại đây, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng một cách tối đa. Vị CEO này hy vọng thời gian tới, các doanh nghiệp vận chuyển, lưu trú, ăn uống liên kết chặt chẽ hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp lữ hành để cùng nhau lấy lại niềm tin của du khách, vực dậy ngành kinh tế xanh.
“Thời gian này, các đơn vị chưa phục hồi đủ nhân sự, cơ sở vật chất như trước dịch thì chỉ nên thu số tiền bằng 60 - 80% trước đây do chất lượng phục vụ chưa hoàn toàn trở lại 100%. Cũng cần nói rõ với du khách, đây không phải là giảm giá, mà vì dịch vụ chưa hoàn thiện như trước dịch, để tránh du khách hiểu lầm và thông cảm, chia sẻ với các đơn vị cung ứng dịch vụ”, ông Doanh nói.
Nguy cơ dẫn tới nhiều hệ lụy
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Wonder Tour cho biết, giá xăng tăng thì giá vận chuyển cũng tăng và giá tour du lịch cũng sẽ tăng vì vận chuyển chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong cơ cấu tour. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành rất đau đầu trong việc xây dựng giá tour. Bởi giá tour cao thì khách hàng sẽ quay lưng, còn nếu giá tour thấp thì các công ty phải chịu thiệt.
Theo ông Năng, hiện những tour kích cầu, trợ giá, chi phí tốt hầu như không còn. Giá dịch vụ vận chuyển, giá xăng tăng “phi mã”, kéo theo giá dịch vụ ăn uống, tham quan, lưu trú cũng tăng theo xu thế chung. Giá tour của các công ty lữ hành đang biến động tăng 10-20%. Nếu các cơ quan hữu quan không có chính sách kiểm soát giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu hiệu quả, có thể dẫn đến nạn “chặt chém” phát sinh hoặc loạn giá, hệ luỵ khó lường. Đáng lo hơn, việc các công ty lữ hành xây dựng giá tour cao cũng sẽ khiến du lịch Việt Nam mất lợi thế điểm đến quốc gia.
Thực tế, không ít du khách tỏ ra thất vọng, như chia sẻ của ông Bùi Văn Minh (Hà Nội) sau chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm Đà Lạt - Nha Trang: “Khi dịch bùng phát, du lịch ế ẩm, thì các doanh nghiệp mời gọi, giảm giá để hút khách. Khi du lịch nóng trở lại thì giá tour tăng cao mà dịch vụ rất tệ. Tôi ở khách sạn 4 sao, nhưng rất nhiều muỗi, phục vụ ăn uống vô cùng chậm chạp. Nếu không sớm cải thiện chất lượng, sẽ chẳng ai còn muốn đi du lịch trong nước nữa”.
Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong bối cảnh thị trường quốc tế phục hồi rất chậm, năm 2022, thị trường nội địa vẫn sẽ là lối thoát của ngành kinh tế xanh. Tuy không thể lấp khoảng trống của thị trường quốc tế, nhưng cũng đỡ được phần nào.
Do đó, theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, doanh nghiệp rất cần biết chiến lược tổng thể phục hồi của ngành du lịch trong ngắn hạn, trung và dài hạn, thay vì kích hoạt một cách hình thức, nhỏ lẻ. Doanh nghiệp du lịch đang thiếu thông tin về chiến lược của du lịch Việt Nam, thiếu thông thị trường, thiếu vốn và thiếu nhân sự.
Chủ tịch Lux Group mong các gói ưu đãi Chính phủ đã quyết định rót cho du lịch cần giải ngân sớm, khoản vay lãi suất thấp 2% cho doanh nghiệp du lịch cần triển khai đúng và trúng. Nhân sự cũng cần được hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại.