Theo báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ luỹ kế hơn 221.230 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giá vốn bán hàng của doanh nghiệp này lại tăng hơn 225.440 tỷ đồng, khiến ghi nhận lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ là hơn 4.200 tỷ đồng.
Khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của EVN nửa đầu năm nay là hơn 12.677 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi trên 10.072 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu 189.194 tỷ đồng, còn lỗ sau thuế hơn 17.358 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý... EVN ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất hơn 16.586 tỷ đồng.
Năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% tổng công suất đặt của hệ thống nhưng vận hành không ổn định, khiến nhiệt điện than vẫn phải gánh khoảng 40% tỷ trọng về sản lượng toàn hệ thống |
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của EVN đạt khoảng 673.157 tỷ đồng, giảm gần 4,6% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản của tập đoàn tập trung ở tài sản cố định, gần 443.295 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn trên 37.127 tỷ.
Cuối quý II, EVN có vốn chủ sở hữu gần 230.680 tỷ đồng, giảm trên 17.230 tỷ so với đầu năm. Các khoản nợ phải trả, gồm nợ ngắn hạn và dài hạn của "ông lớn" ngành điện đều giảm so với đầu năm, lần lượt là 152.197 tỷ đồng và 290.279 tỷ đồng.
Việc EVN ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh hơn 12.677 tỷ đồng trong 6 tháng có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ việc giá nhiên liệu cho sản xuất điện như than, dầu, khí... tăng cao trong bối cảnh thế giới khủng hoảng năng lượng và tác động của cuộc xung đột Nga – Ucraina.
Theo báo cáo của EVN với Bộ Công thương hồi tháng 7, giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm.
Chẳng hạn, bình quân giá than trộn của TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD một tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD một thùng, gấp gần 2,5 lần.
Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng một kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.
Tuy gặp lỗ lớn và chi phí sản xuất tăng mạnh nhưng EVN hiện chưa có đề xuất tăng giá bán điện.