Với giá nông sản tăng cao hiện nay, không ít doanh nghiệp sản xuất đứng trước nguy cơ bị lỗ Ảnh: H.S |
Giá nông sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng khá như gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà phê là 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su là 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%...
Ngoài sản lượng xuất khẩu tăng, thì giá các loại nông sản xuất khẩu cũng đang trên đà tăng cao, giúp người trồng hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là điều khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất “đứng ngồi không yên”, khi đơn hàng đã ký, nhưng nguồn cung bị ảnh hưởng do tình trạng tranh mua, tranh bán, đầu cơ…
Tình trạng khan hàng đang xảy ra với một số ngành như cà phê, hồ tiêu…, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hơn, chưa kể các rủi ro khác vẫn bủa vây.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu thông tin, giá cà phê hiện nay tăng không kiểm soát, tăng theo ngày. Do đó, các nhà sản xuất như Toàn Cầu không thể dự báo được giá cà phê sẽ như thế nào, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Giá cà phê bắt đầu tăng từ tháng 7/2023, ban đầu cà phê chỉ có giá 41.000 đồng/kg, sau tăng lên 50.000 đồng/kg. Đến cuối năm 2023, giá cà phê đã tăng đến 90.000 đồng/kg và đến thời điểm này có giá tới 130.000 đồng/kg.
Ông Luận cho hay, diễn biến giá cà phê thường nằm trong chu kỳ 10 năm, nếu tăng cũng chỉ tăng nhẹ. Ngay cả khi những năm cà phê mất mùa, sản lượng một vài quốc gia trồng cà phê giảm…, thì giá cà phê cũng không tăng cao như hiện nay.
“Thời điểm giá cà phê tăng nhẹ, chúng tôi vẫn còn chủ quan khi cho rằng, việc tăng giá nhẹ là điều bình thường. Tuy nhiên, giá cà phê đã liên tục tăng từ năm 2023 đến nay. Chúng tôi cho rằng, đến cuối năm, tình trạng này vẫn sẽ tiếp diễn”, ông Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ.
Ngoài ra, tình trạng hạn mặn tại các tỉnh miền Tây, thiếu nước tưới tiêu vẫn đang tiếp diễn, ảnh hưởng không nhỏ đến mùa vụ, chất lượng nông sản của bà con nông dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group ví von giá dừa tại các tỉnh miền Tây đang tăng hơn “giá vàng”, khi buổi sáng doanh nghiệp chốt giá, thì buổi chiều, giá tăng thêm 20-30% là điều bình thường.
“Dừa tại vườn hiện nay có giá khoảng 130.000/10 trái, dừa đạt chuẩn xuất khẩu lên đến 200.000/10 trái, trong khi bình thường chỉ có giá 40.000-50.000/10 trái”, ông Tùng cho biết.
Ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất
Trước thực trạng biến động giá hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm lo ngại giá thành sản phẩm chế biến trong năm 2024 và dịp Tết Ất Tỵ 2025 sẽ tăng cao. Không những thế, nguy cơ doanh nghiệp phải bù lỗ, vừa lo thiếu vốn để dự trữ nguyên liệu, vừa lo đơn hàng xuất khẩu trục trặc nếu nâng giá để bù đắp chi phí. Đặc biệt, việc giữ ổn định giá cho mùa sản xuất cuối năm được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, khả năng dự báo thị trường, sản phẩm tại Việt Nam khá yếu, nên không nhiều doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hàng tồn kho. Toàn Cầu cũng đang gặp tình trạng tương tự khi cà phê tồn kho không còn, muốn mua vào càng khó.
“Chúng tôi mua vào với số lượng rất “nhỏ giọt” và mua theo từng đợt. Đối với những khách hàng cũ, doanh nghiệp phải chịu lỗ để thu mua cà phê, sản xuất sản phẩm để cung cấp theo đơn hàng đã ký. Với những khách hàng mới, doanh nghiệp phải đàm phán lại giá, nếu chấp nhận giá mới, doanh nghiệp mới bắt đầu thu mua cà phê để sản xuất”, ông Luận chia sẻ.
Do vậy, trong thời điểm này, Toàn Cầu không thể mở rộng tệp khách hàng. Hiện tại, doanh nghiệp tăng giá 30% với thị trường xuất khẩu, nhưng chưa có khách hàng nào chấp nhận giá này.
“Mỗi khi tăng giá 5-10%, doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian để thị trường chấp nhận, do đó, việc các nhà nhập khẩu, đối tác không chấp nhận mức tăng giá tới 30% cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn mới đưa ra quyết định này. Còn tại thị trường nội địa, doanh nghiệp chưa dám tăng giá, vì sức mua từ năm 2023 đến nay vẫn khá thấp, các kênh bán hàng đang tiêu thụ rất nhỏ giọt”, ông Luận nói.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dh Foods cho hay, những năm trước, việc thu mua nông sản rất ổn định, nhưng năm nay có nhiều biến động, song doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.
“Sản phẩm của Dh Foods được phân phối tại các kênh siêu thị là chính, nên việc điều chỉnh tăng giá sản phẩm sao cho phù hợp với tình hình giá đầu vào hiện nay cũng rất khó khăn. Do đó, nếu đề nghị tăng giá thì đến tháng 9-10/2024, doanh nghiệp mới có thể tăng nhẹ. Nếu không, doanh nghiệp phải chờ đến qua Tết 2025. Vì vậy, phương án tốt nhất là lấy lợi nhuận sản phẩm này bù vào sản phẩm khác, chấp nhận giảm lợi nhuận chung”, ông Dũng chia sẻ.
Có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông sản đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể. Điều này giúp doanh nghiệp tránh bị động, rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí bị phạt hợp đồng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Trung Dũng thông tin, với các loại nông sản như tiêu, hành, tỏi…, doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác uy tín và ký hợp đồng cung cấp theo năm nhằm ổn định về giá.
“Giá nông sản đang phụ thuộc rất lớn vào giá thế giới. Vì vậy, trong vụ mùa năm nay, khi sản lượng bán ra nhiều nhất, giá cả có vẻ thấp nhất, thì doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng cả năm. Dù thu mua với giá mới, nhưng việc ký kết theo năm giúp chúng tôi giảm rủi ro”, ông Dũng chia sẻ.