Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam |
Giá vàng bật tăng ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vừa qua, lên mức 1.777 USD/ounce vào ngày 2/8. Điều này trái với quy luật là giá vàng thường quay đầu giảm khi Fed tăng lãi suất, thưa ông?
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố trong tháng 7/2022, giá tiêu dùng tháng 6/2022 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ. Do đó, Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 2 liên tiếp trong 2 tháng vừa qua, nhằm “ghìm cương” lạm phát và không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Lạm phát Mỹ tăng cao sau đại dịch Covid-19 buộc Fed phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và lộ trình tăng lãi suất cơ bản với USD cũng đã được vạch ra. Vì thế, thị trường đã phần nào nắm được diễn biến của quá trình tăng lãi suất, nên thị trường vàng không phản ứng thái quá khi Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất USD thêm 0,75% vào ngày 27/7.
Ngược lại, giá mặt hàng kim loại quý này đã bật tăng trở lại từ mức hơn 1.700 USD/ounce lên trên 1.750 USD/ounce trong 2 ngày sau đó. Đầu tuần này, giá vàng thế giới tiếp tục tăng, lên mức 1.777 USD/ounce vào ngày 2/8. Điều này được lý giải là do khi giá vàng xuống đến ngưỡng phù hợp, các nhà đầu tư, đầu cơ, quỹ đầu tư và ngay cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đẩy mạnh mua vào.
Điều đó có nghĩa, mãi lực tăng mạnh đã tác động tích cực lên giá vàng?
Số liệu của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, giá vàng giảm 6% trong quý II/2022 đã tác động đến các quỹ ETF vàng, chứng kiến dòng vốn ra 39 tấn trong quý II/2022. Nhưng dòng vốn vào ròng trong nửa đầu năm lên tới 234 tấn, so với dòng vốn ra 127 tấn trong nửa đầu năm 2021. Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng trong quý II/2022, tăng dự trữ chính thức toàn cầu lên 180 tấn. Mua ròng đạt 270 tấn trong nửa đầu năm, phù hợp với kết quả khảo sát các ngân hàng trung ương gần đây, theo đó, 25% ngân hàng trung ương cho biết, họ dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tiếp theo.
Đồng thời, nhu cầu vàng tăng mạnh tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng Covid-19...
Vì vậy, khi mãi lực vàng tăng cao sẽ tác động tích cực lên giá vàng. Giá vàng được dự báo còn triển vọng tăng trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái.
Kinh tế suy thoái, vàng vẫn được xem là “hầm trú ẩn an toàn” cho nhà đầu tư, thưa ông?
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2022 đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong 3 tháng đầu năm. Việc GDP sụt giảm trong 2 quý liên tiếp đã làm dấy lên lo ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Thông thường, 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lần đầu giảm 5.000 người, xuống còn 256.000 người (đã được điều chỉnh theo mùa) trong tuần kết thúc vào ngày 23/7/2022.
Suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ có lợi cho mặt hàng vàng, vì nó buộc Fed phải giảm mức độ tăng lãi suất vào thời điểm lạm phát tiếp tục tăng cao. Nhà đầu tư sẽ tìm đến “hầm trú ẩn an toàn” là vàng trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Việc giá vàng thế giới quay trở lại mức trên 1.750 USD/ounce cho thấy, mặt hàng này tiếp cận gần hơn giá trị hợp lý của nó, bởi sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng, đặc biệt khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt.
Các thị trường đang tập trung nhiều vào mối đe dọa suy thoái kinh tế hơn là việc Fed tăng lãi suất. Điều này có thể làm suy yếu USD và giới hạn lợi suất trái phiếu, nhưng lại tác động lên hầm trú ẩn an toàn vàng, tác động tích cực đến giá kim loại quý này.
Theo ông, giá vàng sẽ trở lại mức bao nhiêu nếu lộ trình tăng lãi suất cơ bản USD của Fed chưa kết thúc trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022?
Nếu Fed tiếp tục thực hiện lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ tạo áp lực lên giá vàng. Lãi suất cao hơn thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vì chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như kim loại quý. Nhưng thực tế cho thấy, vàng vẫn bật tăng sau khi Fed hành động.
Theo tôi, giá vàng rất ít có khả năng giảm tiếp, mà có thể cầm cự ở mức hiện nay. Sau đó, nếu lấy lại ngưỡng 1.800 USD/ounce, giá vàng có thể bật tăng lên 1.900 USD/ounce và thậm chí cao hơn, do suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng khiến nhà đầu tư vẫn muốn bảo toàn vốn bằng cách nắm giữ vàng hơn là các tài sản rủi ro khác.