Quốc tế
Giá vàng tăng nóng, đuổi bắt mốc 2.300 USD/ounce
Đông Phong - 01/04/2024 14:58
Bám vào kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, giá vàng lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch đầu tháng 4, tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của tài sản trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay tăng 1,32% trong ngày giao dịch 1/4, lên mức 2.265,53 USD/ounce. Ảnh: AFP

Giá vàng giao ngay ngày 1/4 tăng 1,32% lên mức 2.265,53 USD/ounce, trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng hơn 2% và giao dịch ở mức 2.286,39 USD/ounce.

"Tôi nghĩ đây là thời điểm thực sự thú vị đối với vàng", ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nói phát biểu trên đài CNBC vào ngày 1/4. Chiến lược gia cho biết: "Tôi nghĩ điều thực sự thúc đẩy giá vàng là nhiều nhà đầu cơ trên thị trường đang thực sự có được niềm tin và sự hài lòng [trong] việc cắt giảm của Fed".

Giới quan sát thị trường đang mong đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Theo dữ liệu công bố vào cuối tuần trước, chỉ số PCE - thước đó lạm phát chính của Fed - trong tháng 2 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và có thể khiến Fed bắt đầu xem xét cắt giảm lãi suất.

Fed đã ủng hộ cắt giảm lãi suất khi kết thúc cuộc họp tháng 3 vừa qua, nhưng cơ quan này vẫn giữ nguyên triển vọng về ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Giá vàng thường diễn biến nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu - một kênh đầu tư thường mang lại lợi nhuận kém hơn trong môi trường lãi suất thấp.

Giá vàng thỏi cũng được đẩy lên cao hơn bởi nhu cầu ở nước ngoài, theo ông Caesar Bryan, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Gabelli Funds.

"Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư tư nhân bị thu hút bởi vàng vì lĩnh vực bất động sản sinh lời kém", ông Bryan nói, đồng thời nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu trong khi thị trường chứng khoán cũng như tiền tệ của nước này vẫn chưa đạt hiệu suất tốt.

Top 10 ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất năm 2023 (đơn vị: tấn). Nguồn: Hội đồng Vàng Thế giới

Theo lý giải của Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường tại Hội đồng vàng thế giới, giá vàng liên tục leo thang là do lực mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm đa dạng hóa danh mục dự trữ, nhằm ứng phó các rủi ro địa chính trị, lạm phát trong nước và sự suy giảm của đồng đô la Mỹ.

"Tình hình thực sự thuận lợi để họ tiếp tục mua vào… [nhưng] hãy xem liệu họ có tiếp tục với lượng lớn và lâu như vậy hay không", ông Cavatoni nhận định về động thái mua vào tích trữ của các ngân hàng trung ương.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, Trung Quốc là động lực hàng đầu cho cả nhu cầu tiêu dùng và hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương và quốc gia này khó có khả năng giảm tốc.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là khách hàng mua vàng lớn nhất vào năm 2023 với 224,88 tấn. Nền kinh tế của Trung Quốc và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn cũng khiến nhiều nhà đầu tư hướng tới kim loại vàng - một dạng tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ thị trường biến động mạnh, trong khi đầu tư vàng cá nhân vẫn mạnh mẽ, theo phân tích của Hội đồng Vàng Thế giới.

Sau Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Ba Lan là nước tiêu thụ vàng ròng lớn thứ hai, với lượng mua vào 130 tấn vàng thỏi trong năm 2023. Tiếp đến là Singapore với lượng mua vàng ròng cao thứ ba là 76,51 tấn.

"Các ngân hàng trung ương, những người đã mua vàng ở mức cao lịch sử trong hai năm qua, sẽ tiếp tục mua vào mạnh mẽ trong năm 2024", giám đốc toàn cầu khối ngân hàng trung ương tại Hội đồng Vàng Thế giới Shaokai Fan nhận định.

Tin liên quan
Tin khác