Giấc mơ an cư
Với các những người trẻ đang làm việc tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, hay tại các khu công nghiệp…, nhu cầu về nhà ở luôn hiện hữu. Song, để giấc mơ này trở thành hiện thực không phải chuyện dễ, bởi giá nhà luôn cao gấp rất nhiều lần thu nhập, kể cả với phân khúc nhà ở xã hội.
Chẳng hạn, vợ chồng anh Trần Quang Tuấn kết hôn từ năm 2016 và chuyển từ Quảng Ngãi vào TP.HCM. Hiện nay, công việc của 2 vợ chồng chủ yếu làm ở trung tâm TP.HCM, nhưng tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 30 triệu đồng. Sau thời gian dài làm việc và tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng, nay muốn tìm dự án căn hộ vừa túi tiền để mua, nhưng không có.
Với mức thu nhập và khả năng tài chính hiện tại, anh không còn hy vọng có thể sở hữu nhà ở tại TP.HCM. Anh quyết định hướng đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… và phân khúc phù hợp với túi tiền của gia đình lúc này là nhà ở xã hội. Dẫu vậy, để mua được nhà tại dự án phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính cũng không phải chuyện dễ.
Đơn cử, Dự án nhà ở xã hội New Lavida tại TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đang được rao bán với giá 730 triệu đồng/căn 1 phòng ngủ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế, căn 1 phòng ngủ này có diện tích chỉ 30-35 m2, không phù hợp với gia đình có 4 người.
Anh Tuấn tiếp tục tìm hiểu sang căn hộ có 2 phòng ngủ, diện tích 52 - 56 m2, với mức giá 1,4 - 1,6 tỷ đồng (tương đương khoảng 25 triệu đồng/m2). Nếu quyết định mua thì trước tiên anh cần đặt cọc 30 triệu đồng, sau 7 ngày sẽ tiến hành thanh toán 160 triệu đồng cho đợt 1 và 160 triệu đồng cho đợt 2. Sau đó sẽ làm thủ tục để vay ngân hàng với mức lãi suất là 6,6 %/năm.
“Nếu mua, với số sẵn có 300 triệu đồng ban đầu, chúng tôi có thể thanh toán được 2 đợt đầu, nhưng vẫn phải vay ngân hàng số tiền rất lớn. Với lãi suất 6,6%/năm, mỗi tháng tôi phải trả lãi ngân hàng khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này là quá lớn so với thu nhập và mức chi tiêu hiện tại của gia đình. Do vậy, tôi chưa thể quyết định mua”, anh Tuấn nói.
Đánh giá về mức lãi suất trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, lãi suất 6,6%/năm là quá cao so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, nên không phù hợp với bản chất khoản vay mua nhà ở xã hội.
Cần có giải pháp phù hợp
Việc có “chốn an cư” không chỉ là giấc mơ của những người lao động, mà đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến (TP.HCM) cho biết, Công ty hiện có 500 người lao động và 30% số đó có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhưng họ rất khó tiếp cận. Trong khi đó, hầu hết người lao động tại Công ty có thời gian làm việc 15 - 20 năm và họ tha thiết có một “mái ấm” thực sự là căn nhà của mình để gắn bó, làm việc lâu dài tại Thành phố.
Chia sẻ vấn đề này, bà Phùng Thị Minh nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên cho hay, Công ty đang thiếu khá nhiều lao động, một phần do làn sóng người lao động trở về quê vì tác động khủng hoảng kinh tế sau đại dịch. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp đang mất đi lực lượng lao động có tay nghề và có thâm niên, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất. Do đó, muốn giữ chân và tuyển thêm được lao động, doanh nghiệp cũng cần có phương án “an cư” để người lao động yên tâm làm việc.
Tuy nhiên, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian ngắn là bài toán khó. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Lê Thành cho biết, biên lợi nhuận làm nhà ở xã hội rất thấp, nên không khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Đặc biệt, quy trình thủ tục vẫn là nỗi ám ảnh với các chủ đầu tư.
Do vậy, Nhà nước cần phải linh động, phải ghép quy trình để làm song song cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án, từ đó gia tăng nguồn cung ra thị trường. Ngoài ra, cần chấp nhận thị trường nhà ở xã hội, tức để cho người mua sau một thời gian sẽ được bán như nhà bình thường. Có như vậy mới thu hút các chủ đầu tư và cả người mua nhà ở xã hội.