Bối rối với dữ liệu
Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai phát triển đô thị thông minh, hơn 40 địa phương triển khai Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện.
Hiện tại, các đô thị triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội, Thủ đô đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số, như dữ liệu thì vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao; mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản hơn. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế - xã hội mới.
Ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, xác định cơ sở dữ liệu là vấn đề rất quan trọng, Hà Nội đã ban hành các danh mục, kế hoạch dữ liệu và đang giao các đơn vị triển khai nội dung này. Trong quá trình triển khai, vẫn còn một số khó khăn, bất cập liên quan đến thu thập và chia sẻ dữ liệu, như khó khăn trong rà soát số hóa dữ liệu, sự phân cấp…
Giải pháp nào cho thu thập, kết nối dữ liệu số
Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Địa phương này xác định đầu tư xây dựng hạ tầng và dữ liệu số là hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 “hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị.
Đến nay, TP. Đà Nẵng đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022); tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng lên Cổng dữ liệu quốc gia; thông qua Kế hoạch Quản trị và Phát triển hạ tầng dữ liệu Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, hình thành các cơ sở dữ liệu nền như công dân, doanh nghiệp, nhân khẩu, đất đai, cán bộ - công chức, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đô thị, an toàn thực phẩm... và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu…
Bước đầu, tại TP. Đà Nẵng đã hình thành cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị trên nền GIS (hệ thống thông tin địa lý) với các lớp dữ liệu đất đai, quy hoạch xây dựng, giao thông, cấp nước, thoát nước. Trên cơ sở đó, các cơ quan đã bắt đầu khai thác, sử dụng một số dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ số, thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh...
Đến nay, Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng có hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng và với hơn 4,6 triệu lượt truy cập để tìm kiếm, khai thác, tra cứu thông tin; 860 bộ dữ liệu và hơn 1,2 triệu lượt gọi dịch vụ từ các ứng dụng.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, để chính sách thúc đẩy đô thị thông minh hiệu quả phải có biện pháp, giải pháp, kiểm tra, giám sát, trong đó cơ quan thường trực có vai trò quan trọng trong kết nối, triển khai thực hiện.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số là dữ liệu, đối với các thành phố thông minh là quản lý dữ liệu. Điều quan trọng là làm sao để dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống".
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA cho biết, việc khai thác dữ liệu, xây dựng thành phố thông minh vẫn còn nhiều thách thức. Hiện nay, kiến trúc dữ liệu của các địa phương rất khác nhau, nên đây là thách thức lớn khi thực hiện dữ liệu chung quốc gia.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng, dữ liệu là tải sản công của toàn dân, nên phải được sử dụng công khai, sử dụng chung trong cả nước.
Khuyến nghị các địa phương, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, muốn xây dựng thành công đô thị thông minh, các địa phương cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu là một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Hạ tầng thông tin mạnh, hạ tầng dữ liệu tốt, thống nhất, an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị thông minh.
Tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo đánh giá quá trình triển khai đề án đô thị thông minh, trong đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu ra các bài học kinh nghiệm, những mô hình thành công và khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương những nội dung cần lưu ý để triển khai đô thị thông minh hiệu quả trong thời gian tới.
Trong quý I/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng cập nhật và ban hành mới bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững Việt Nam, với mục tiêu xây dựng một hướng dẫn chung về việc xây dựng, phát triển và đánh giá mức độ trưởng thành của đô thị thông minh, tạo sự thống nhất về nhận thức chung trên cả nước về phát triển đô thị thông minh.