Thời sự
“Giải cứu” nông sản và chuyện định vị lại Việt Nam trên thị trường nông nghiệp toàn cầu
T.L - 24/05/2017 09:59
Diễn ra trong bối cảnh một loạt mặt hàng nông sản xin “giải cứu”, Hội thảo Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2017 sáng nay (24/5) bàn thảo những vấn đề nóng về thị trường.

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho hay, ngoài mục đích cung cấp thông tin, đưa ra dự báo về thị trường nông sản 2-3 năm tới, Hội thảo Triển vọng nông nghiệp năm nay có thêm chủ đề mới:  định vị lại nền nông nghiệp trên thị trường nông nghiệp toàn cầu.

Dẫn lại một số cuộc giải cứu gần đây, ông Tuấn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt.  Mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật lên rất nhanh.

Từ thực tế này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách để đưa ra những thông tin chuẩn xác để khơi thông và đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Dù thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực tái cơ cấu ngành, khơi thông thị trường, cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hướng nông dân đến cách làm ăn chuyên nghiệp, bài bản hơn,  lôi kéo DN tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp có nhiều lúc thăng, lúc trầm.

 TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trong khi thị trường biến động, cần bình tĩnh phân tích thấu đáo. Bởi đôi khi giá nông sản sẽ tiềm ẩn bùng lên trong tương lai. Và khi thị trường bùng lên, cần nghĩ tới cách làm mới chứ không nên chạy theo kiểu cũ. Dài hạn hơn, cần định vị thị trường nông sản Việt Nam trong thị trường lương thực  thực phẩm toàn cầu để phát triển bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân.    

Bàn về xu hướng phát triển nông nghiệp thời gian qua, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã có “cơn lốc” đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua, đặc biệt nlaf nông nghiệp công nghệ cao, đây là điều rất tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Lâu nay, chỉ có nông dân và nhà nước lọ mọ với nông nghiệp, tình trạng “giải cứu” liên tục xảy ra. Thế nhưng, hiện nhiều DN đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào doanh nghiệp, đây chính là lực lượng “giải cứu” nông sản. Do đó, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ doanh nghiệp – nông dân”, ông Thiên nói.

Theo dự báo của Ipsard, năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Ipsard

Về phía cầu,xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản trên các thị trường xuất khẩu, giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ.

Về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến những ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu.   

Về dự báo thị trường quốc tế, TS. Sergio René Araujo – Ensciso (FAO) cho rằng, năm  2017 và các năm tới đưa ra sáu xu hướng:

Thứ nhất, tiêu dùng nông sản toàn cầu tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn. Thứ hai, tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại so với thập kỷ trước. Thứ ba, Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Phi hạ Sahara thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Thứ tư, giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn. Thứ năm, tăng trưởng năng suất sẽ là động lực chính cho sản xuất cây lương thực và thức ăn chăn nuôi. Thứ sáu, tăng trưởng đa dạng theo hướng phát triển chăn nuôi và thủy sản.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xác định lại động lực chính thúc đẩy ngành nông nghiệp đi lên: tăng năng suất, chất lượng và xác định cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng để từng bước xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu và ưu tiên nguồn lực phát triển.

  

Tin liên quan
Tin khác