Số vụ hỏa hoạn có dấu hiệu tăng những ngày đầu năm |
“Hỏa hoạn” luôn rình rập
Chỉ cần những thao tác đơn giản như tắt điện, ngắt cầu dao sau khi ra khỏi nhà, hoặc không nên thắp hương khi không ở nhà, khóa van bình gas ngay sau khi không dùng là có thể phòng ngừa nguy cơ cháy xảy ra trong gia đình. Nhưng thật đáng tiếc nhiều người vẫn… quên. Đó chính là nguyên nhân của hầu hết những vụ cháy trong thời gian qua. Vụ hỏa hoạn thiêu rụi 6 ki ốt tại phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy vào sáng sớm 11-2 (tức mồng 4 Tết Bính Thân) là một ví dụ. Chủ nhân của một trong 6 ki ốt trên đã thắp hương và khóa cửa đi chúc Tết từ sáng sớm. Khi nén hương cháy xuống thấp, có nhiều chân hương bị bén lửa đã âm ỉ và bốc cháy cùng với tiền vàng mã thành ngọn lửa. Do đây là các ki ốt tạm bợ, lợp mái tôn và ngăn vách bằng vật liệu dễ bén lửa nên trong thời gian ngắn đã bị ngọn lửa bao trùm.
Một vụ hỏa hoạn khác xảy ra tại đường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm cũng đã thiêu rụi 6 ki ốt vào sáng 20-2. Và chủ nhân của những ki ốt nói trên cũng khóa trái cửa và không có mặt tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn. Trước đó vào giữa tháng 1-2016, một chủ nhân của căn hộ trên tầng 20 của khu chung cư tại phố Thụy Khuê, Tây Hồ đã “cẩn thận” mang xe đạp điện lên tận phòng khách để nạp ắc quy. Chỉ đến khi chiếc xe đạp điện bị cháy và lan sang toàn bộ tài sản trong phòng khách thì mọi người trong gia đình mới phát hiện và được cứu nạn kịp thời…
Chủ quan ngay từ khi diễn tập
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ hỏa hoạn trên, song chủ yếu là do sự chủ quan và ý thức tuân thủ các quy định về PCCC chưa cao của người dân. Đáng nói là nguyên nhân do sự cố chập điện chiếm tới trên 90% các vụ hỏa hoạn. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cảnh báo: “Người dân cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong nhà và nên thay thế kịp thời các thiết bị cũ, không an toàn, sẽ tránh được sự cố chập cháy”.
Với các nhà chung cư hỏa hoạn xảy ra cũng là điều dể hiểu bởi chất lượng công trình không đảm bảo, trong đó có thiết bị điện đang là “mồi” cho hỏa hoạn. Mới đây, một chung cư cao tầng tại Hà Đông xảy cháy tới 3 lần trong thời gian ngắn, nguyên nhân đều do hệ thống dây dẫn nguồn điện của tòa nhà. Đó là hậu quả của việc thiếu giám sát chặt chẽ khi thi công công trình.
“Bệnh” chủ quan và xem nhẹ những kỹ năng tối thiểu về an toàn PCCC của không ít người dân cũng là nguyên nhân khiến nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn. Thực trạng này dễ nhận thấy nhất tại các đợt tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, thoát nạn do lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội thực hiện tại các khu dân cư, các tòa nhà chung cư cao tầng nhưng nhiều gia đình chỉ cử bà già hoặc giúp việc bế theo trẻ em tham gia với tính chất “điểm danh”. Nếu mỗi người dân vẫn coi việc phòng cháy, chữa cháy là của lực lược Cảnh sát PCCC thì đó chính là hiểm họa.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Giảng viên trường Đại học PCCC - Bộ Công an khẳng định: “Người chữa cháy hiệu quả nhất chính là người đầu tiên phát hiện đám cháy. Và lực lượng chữa cháy hiệu quả nhất chính là lực lượng chữa cháy tại chỗ. Các cụ thường ví von “nước xa không cứu được lửa gần” là như vậy. Lực lượng chữa cháy có tinh nhuệ đến mấy, hiệu quả đến mấy thì cũng phải nhận thông tin, xuất xe… và còn phải phụ thuộc quãng đường từ đơn vị đến hiện trường. Trong khi đó, ngọn lửa bùng cháy theo từng giây, do đó phòng ngừa là tốt nhất, phát hiện sớm là hiệu quả nhất…”.