Ngày 2/6, UBND TP.HCM đã tổ chức họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, năm tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 6 năm 2022.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP.HCM được HĐND Thành phố thông qua vào ngày 9/12/2021 là 44.987,640 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 25/5, TP.HCM chỉ mới giải ngân hơn 4.300 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,5% tổng kế hoạch vốn giao.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ, theo lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư là do có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian Thành phố thực hiện ứng phó với tình hình dịch Covid-19; chi phí đầu vào tăng cao.
TP.HCM chỉ mới giải ngân chỉ mới hơn 4.300 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,5% tổng kế hoạch vốn giao. Ảnh: TTBC |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết qua theo dõi toàn Thành phố thì khối lượng nghiệm thu thực tế trên các công trường chậm.
Trong đó nguyên nhân là do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự Ukraina, giá xăng dầu tăng mà cụ thể mà giá xăng trong nước tăng 11 lần (tăng hơn 30%); từ đó ảnh hưởng đến tất cả loại giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng.
“Các nhà thầu trúng thầu theo hợp đồng có quan ngại nếu tiếp tục càng làm thì càng lỗ nên có tâm lý làm cầm chừng, chờ có chính sách điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng vì hiện họ làm càng nhanh thì càng lỗ”, ông Hải nói.
Ông Hải còn cho rằng do đặc thù của các công trình xây dựng cơ bản là đến những tháng đầu năm 2022 mới được giao kế hoạch vốn, nên đến tháng 4 và tháng 5/2022, các kế hoạch như mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thẩu… mới được triển khai nên giá trị giải ngân thấp.
Còn Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận, để kinh tế Thành phố tăng trưởng bền vững cần thực hiện hiệu quả việc sử dụng tài sản trên cơ sở tăng cường thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Hoàng, những năm gần đây, vốn đầu tư công đóng góp vào GRDP của Thành phố đang giảm dần. Ông Hoàng đề nghị cần đặt ra việc giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế, Thành phố phải chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân, có đề nghị tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp tạo động lực cho Thành phố.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn 5 tháng đầu năm ước thực hiện 8.358 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm, giảm 6,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, cấp thành phố ước thực hiện 5.918 tỷ đồng, chiếm 70,8%, tăng 10,1% so với cùng kỳ; cấp huyện ước thực hiện 2.440 tỷ đồng, chiếm 29,2%, giảm 30,8%.
Thành phố đã tập trung chỉ đạo Sở, ngành và quận, huyện tăng tốc triển khai các dự án, nhưng tiến độ nhìn chung vẫn còn chậm. Nguyên nhân do việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, trình tự thủ tục kéo dài, vướng mắc chưa thống nhất trong các quy định liên quan đến vốn đầu tư công, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến nhiều dự án thi công chựng lại…
Về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm, Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã được gỡ vướng mắc về thủ tục tái cấp vốn. Hiện dự án đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2022.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên: Tổng khối lượng thực hiện dự án đạt trên 90%, đã vận chuyển 17/17 đoàn tàu về Depot Long Bình, Thành phố Thủ Đức chuẩn bị cho giai đoạn vận hành, thử nghiệm. Hiện Thành phố và Ban quản lý Dự án đường sắt đang tiến hành song song vừa triển khai Dự án vừa thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 2: Hiện công tác giải phóng mặt bằng tại Quận 3 chưa hoàn tất, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 84% (490/586 trường hợp), do vướng thủ tục, công tác thương thảo, đàm phán Phụ lục Hợp đồng số 13 chưa bắt đầu. Công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính (CS2B, CP2 đến CP7) còn chậm so với tiến độ đề ra.