Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo tại phiên họp. |
Bắt đầu phiên họp thứ 45, sáng 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, cử tri Bắc Giang kiến nghị “Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo các đơn vị khắc phục tình trạng ngập úng khi trời mưa tại các cống chui qua cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua huyện Việt Yên”. Cử tri còn nhấn mạnh đây là kiến nghị đã nêu nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Trả lời, Bộ Giao thông - Vận tải nêu: “Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang...., việc xử lý tình trạng tại các cống chui dân sinh đã được thực hiện xong. Hiện tại, qua theo dõi không còn tình trạng ngập úng khi trời mưa...”.
Tuy nhiên, ngày 27/3/2020, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tiếp tục phản ánh về một số cống chui nêu trên vẫn xảy ra tình trạng ngập úng khi trời mưa, như vậy, kiến nghị chưa được giải quyết xong như đã trả lời với cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này gửi kèm theo hình ảnh cho thấy cống vẫn ngập, khi Bộ đã trả lời giải quyết xong.
Kiến nghị dành cho Bộ Giao thông - Vận tải là cần khắc phục ngay trong thời gian sớm nhất để cử tri yên tâm, tin tưởng.
Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh cần quan tâm thêm đến vụ việc này.
Phần đầu báo cáo, Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ sớm hoàn thành việc trả lời kiến nghị cử tri, trong đó lưu ý trả lời phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý, không trả lời chung chung, trích dẫn Nghị quyết Đảng, quy định pháp luật.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn còn một số văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị.
Ngoài điển hình tại Bắc Giang, báo cáo của Ban Dân nguyện còn nêu thêm một ví dụ liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Theo đó, cử tri tỉnh Bình Định phản ánh sau hơn 4 năm được công nhận là xã đảo thì chính quyền và nhân dân xã Nhơn Châu, Quy Nhơn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nào của diện xã đảo và đề nghị Bộ Nội vụ sớm xem xét trình Chính phủ cho xã Nhơn Châu được hưởng chế độ.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ nêu đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi đối với xã đảo, tuy nhiên, vấn đề mà cử tri Bình Định nêu là xã đảo Nhơn Châu chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của diện xã đảo thì lại chưa được đề cập đến.
Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Nội vụ sớm giải quyết dứt điểm đúng nội dung kiến nghị; xem xét việc đảm bảo quyền lợi của nhân dân xã đảo trong suốt 4 năm chưa được hưởng các chính sách này.
Về tình hình chung, Ban Dân nguyện thống kê: thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri đạt 95,53%.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói, qua đại dịch Covid-19 vừa rồi, hai kết quả lớn là niềm tin của người dân với nhà nước tăng lên, niềm tin của quốc tế với Việt Nam cũng tăng lên. Vậy qua việc giải quyết kiến nghị cử tri cũng cần đánh giá niềm tin của cử tri với đại biểu, với Quốc hội tăng giảm thế nào. Niềm tin đặt vào các cơ quan Quốc hội có tăng lên không.
Phó chủ tịch nước cũng cho rằng, báo cáo nên khái quát lại qua 2 kỳ họp của Quốc hội vấn đề gì nổi lên với cử tri, như vấn đề tín dụng đen được cử tri nêu và các đại biểu đặt vấn đề thì cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, phá được nhiều vụ lớn hơn. Hay trước đây hay nói bức xúc về đất đai thì nay còn có còn là một vấn đề nổi cộm nữa không. Báo cáo cần nêu ra nội dung bức xúc nhất trong 2 kỳ họp vừa qua và giải quyết thế nào.
Hay như thời điểm này đang nổi lên vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình, vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM thì cử tri muốn nói đến vai trò của đoàn đại biểu Quốc ở đâu, báo cáo nên nói đến, Phó chủ tịch phát biểu.