Anh có thể cho biết cơ duyên nào đã đưa mình đến với Lazada?
Sau khi tốt nghiệp đại học Reed (Mỹ), tôi trở về Việt Nam và may mắn được làm việc tại công ty tư vấn quản trị McKinsey, mảng ngân hàng và bán lẻ.
Trong thời gian này, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều nhân sự chủ chốt của Lazada đã từng làm ở McKinsey. Chính mối dây liên kết này khiến tôi có nhiều đổi thay về định hướng nghề nghiệp và thôi thúc tôi quyết định thử sức với mô hình Start up cùng lĩnh vực thương mại điện tử tại Lazada.
Anh Trần Vũ Quang- Giám đốc thương mại của Lazada |
Nhưng anh từng rời Lazada khi Công ty còn ở mô hình start up?
Chấp nhận đến với Lazada tại thời điểm Công ty đang hoạt động với mô hình start up, có nghĩa là tôi không sợ rủi ro mà ngược lại, tôi thấy mình tràn đầy hứng thú, say mê với công việc mới mẻ này.
Về quyết định tạm rời khỏi Lazada, có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, đối với tôi, điều quan trọng bây giờ là tôi vẫn ở đây, sát cánh cùng đồng nghiệp, sống hết mình cho đam mê.
Lazada vốn nổi tiếng trong việc trọng dụng nhân tài nhưng họ hầu như chỉ bố trí người nước ngoài cho những vị trí lãnh đạo cấp cao. Là người Việt đầu tiên đảm nhận vị trí Giám đốc Thương mại tại Lazada, anh nghĩ điều gì đã ở mình đã thuyết phục được “ông lớn” này?
Khi tuyển dụng nhân sự, Lazada xem trọng yếu tố năng lực, sự phù hợp, niềm đam mê, trách nhiệm… của ứng viên chứ không phải là quốc tịch của họ. Người Việt nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà Lazada cần sẽ được chọn. Hơn nữa, nhân sự bản địa có rất nhiều lợi thế cạnh tranh so với người nước ngoài, ví dụ trong giao tiếp, thấu hiểu văn hóa ứng xử, cách suy nghĩ và hành vi mua sắm của người Việt Nam.
Tôi nghĩ Ban lãnh đạo Lazada tin tưởng giao trọng trách Giám đốc Thương mại cho tôi là vì trong suốt thời gian làm việc, tôi và đội ngũ nhân sự bên dưới đã không ngừng nỗ lực, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đối mặt với mọi khó khăn để thử nghiệm những dự án đầu tiên nhằm tìm ra những con đường mới; đáp ứng được yêu cầu phát triển và tiêu chuẩn của Lazada trong giai đoạn này. Ngoài ra còn phải kể đến yếu tố may mắn nữa (cười)
Việc quản lý và điều phối mọi công việc cũng như toàn bộ guồng máy liên quan đến khách hàng và hoạt động tiêu thụ sản phẩm tại một doanh nghiệp TMĐT hàng đầu hẳn mang đến cho anh rất nhiều áp lực?
Tôi quản lý một bộ phận gồm 180 người và chúng tôi phải thỏa mãn nhu cầu, đòi hỏi của bốn bên khác nhau. Thứ nhất là khách hàng – những người luôn tìm kiếm những sản phẩm chất lượng cao với mức giá hợp lí nhất. Thứ hai là nhà phân phối, có hơn 3.000 đơn vị hợp tác với Lazada trong 13 ngành hàng. Tất cả đều có chung một yêu cầu: chi phí thấp, hiệu quả kinh doanh cao. Thứ ba là đội ngũ nhân sự, cần có chiến lược đào tạo, nâng cao kỹ năng cho họ. Cuối cùng là nhà đầu tư – những người cần nhìn thấy sự tăng trưởng nhanh chóng và ổn định, cùng khả năng cân bằng của doanh nghiệp.
Trong tình thế ấy, áp lực là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, còn có một áp lực khác lớn hơn, không đến từ 4 bên kể trên, cũng chẳng phải từ đối thủ, mà là thị trường. Hiện nay, thương mại điện tử chỉ chiếm 1% trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Vì thế, câu hỏi đặt ra chính là làm thế nào để cùng nhau tạo dựng niềm tin với người mua, người bán, chung sức xây dựng thị trường,
“Tài sản” lớn nhất trong kinh doanh trực tuyến là lòng tin của khách hàng và đó mới là thử thách thật sự. Anh cũng như Lazada đã giải quyết thách thức này như thế nào?
Không thể phủ nhận điều này, nhất là khi tại Việt Nam, TMĐT vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Hơn nữa, khách hàng luôn có những yêu cầu đa dạng và phức tạp với những tiêu chuẩn ngày càng cao, vậy nên, phải liên tục hoàn thiện, phát triển nhằm đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đó. Tuy vậy, tất cả thách thức trên từng bước đã được Lazada “hóa giải” thông qua việc xây dựng được một thị trường vững mạnh, trong đó người mua nhận được giá trị thực tế xứng đáng và người bán có lãi.
Động lực nào giúp anh đối mặt và giải quyết những áp lực to lớn hàng ngày như vậy?
Có một nghịch lý là, công việc càng thách thức, nhiều áp lực, tôi càng cảm thấy “kích thích”, hứng thú và say mê. Chuyển từ lĩnh vực tư vấn sang công việc liên quan đến thương mại đầy mới mẻ, tôi hầu như phải giải quyết những bài toán mới mỗi ngày, phải đưa ra nhiều quyết định nhanh chóng và điều chỉnh linh hoạt.
Ở vị trí “đứng mũi chịu sào”, tôi biến tất cả áp lực thành đam mê, điều khiển, xoay chuyển và giải quyết nó. Chính lòng tin của Sếp, của team, của gia đình, bạn bè và đối tác cùng khách hàng là động lực giúp tôi và team vượt lên chính mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Có ý kiến cho rằng, Lazada đang “bành trướng” nhưng thật ra chỉ phát triển chiều rộng mà bỏ qua chiều sâu. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Lazada thật sự đang phát triển toàn diện, cả chiều rộng lẫn chiều sâu để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Việc mở rộng nhiều ngành hàng, mở rộng phạm vi vận chuyển và xây dựng thêm nhà kho chính có thể được nhìn nhận như là sự đầu tư cho chiều rộng nhưng cũng chính là đầu tư chiều sâu. Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung mọi nỗ lực đảm bảo về chất lượng sản phẩm cũng như sự hài lòng của khách hàng.
Chúng tôi áp dụng chính sách không khoan nhượng như một tấm khiên mạnh mẽ nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, Lazada nghiêm khắc đòi hỏi người bán cung cấp đầy đủ các giấy tờ có liên quan đến nguồn gốc, đảm bảo chất lượng của hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên tiến hành nhiều cuộc kiểm tra ở kho người bán nhằm kiểm soát tình hình thực tế. Ngoài ra, người mua cũng được khuyến khích trình báo những lo ngại về sản phẩm với Lazada.
Khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chất lượng nguồn hàng bằng những hình thức đánh giá nhà phân phối trên trang web. Đồng thời, công ty mở nhiều buổi đào tạo định hướng cho người bán để nâng tầm kiến thức. Đội ngũ của Lazada hàng ngày đều tiến hành những thuật toán chuẩn xác để so sánh giá, chủ động kiểm tra các sản phẩm, đưa ra dịch vụ tốt nhất cho cả người bán lẫn người mua.