| ||
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến |
Năm 2012, lãi suất huy động VND giảm 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm 6-9%/năm so với cuối năm 2011, xấp xỉ bằng mức lãi suất của năm 2007 - trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.
Trong 4 tháng đầu năm 2013, lãi suất huy động tiếp tục giảm 1 - 2%/năm, hiện phổ biến ở mức 1 - 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 6 - 7,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng và 9 - 10,5%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Do giảm được lãi suất huy động nên lãi suất cho vay hiện tại giảm 1 - 1,5%/năm và phổ biến ở mức 9 - 11%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng thương mại nhà nước cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh khác là 11 - 13%/năm, ngân hàng thương mại cổ phẩn cho vay phổ biến ở mức 12 - 15%/năm.
“Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của ngành ngân hàng trong tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn”, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến phát biểu và đặt câu hỏi: “Mặt bằng lãi suất hiện nay đã phù hợp chưa?”.
Ông Tiến cho rằng, mong muốn vay vốn rẻ của doanh nghiệp và người dân rất chính đáng. Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành làm sao để lãi suất có thể giảm hơn nữa, và trên thực tế NHNN đang cụ thể hóa yêu cầu này.
Cụ thể, từ nay đến cuối năm, NHNN chủ động điều hành các mức lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ; kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý nhằm bảo đảm khả năng huy động vốn, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của lạm phát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cuối năm 2012 - đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua (cùng kỳ năm 2012 tăng 2,6%; năm 2011 tăng 9,64%; năm 2010 tăng 4,27%).
“CPI 4 tháng đầu năm tăng thấp nhưng chưa thể nói là yên tâm, bởi so với cùng kỳ năm 2012, CPI vẫn tăng 6,61%. Nếu tính theo thông lệ quốc tế thì lạm phát cơ bản (loại trừ các yếu tố diễn biến bất thường và có yếu tố thời vụ như giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu) thì CPI tháng 4/2013 tăng 0,54%; CPI 4 tháng đầu năm tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2012”, ông Tiến bình luận.
Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến không đồng tình với quan điểm của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia rằng, kiểm soát lạm phát nằm trong tầm tay nên có cơ sở để hạ lãi suất cho vay thêm 2-3% trong thời gian tới và thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.
“Giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như điện, than bán cho điện, dịch vụ y tế, giáo dục đều có lộ trình tăng tiệm cận với giá thị trường khiến kiềm chế lạm phát không hề đơn giản. Chưa tính tới việc điều chỉnh lương tối thiểu kể từ 1/7/2013, chỉ riêng 7 địa phương còn lại như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… chỉ cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế bằng 70% mức trần sẽ góp phần làm cho CPI tăng thêm 1,45 điểm phần trăm”, ông Tiến lo ngại khả năng kiềm chế lạm phát - cơ sở quan trọng nhất để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, từ nay đến cuối năm không có bất cứ nhân tố nào gây áp lực lên lạm phát, ngoại trừ việc điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước định giá, nhưng hoàn toàn có thể can thiệp bằng ý chí chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước vì thế cần phải giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ ngay sản xuất, kinh doanh và “giải thoát” cho doanh nghiệp đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn.
Nếu chính sách tiền tệ không thực hiện các giải pháp mạnh (hạ lãi suất và nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn), doanh nghiệp phá sản, giải thể tiếp tục gia tăng với quy mô lớn hơn. Điều này xảy ra, theo ông Ngoạn sẽ dẫn tới đình lạm.
“Nếu không có giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp hấp thụ vốn, đến lúc nào đó, dù có hạ lãi suất xuống rất thấp nhưng doanh nghiệp không thể hấp thụ được vốn nữa thì nền kinh tế rơi vào bẫy thanh khoản. Tình trạng này kéo dài lạm phát sẽ quay trở lại và nền kinh tế sẽ rơi vào đình lạm (vừa lạm phát vừa suy giảm kinh tế). Cần phải tính trước tất cả những yếu tố này chứ không vì quá lo ngại lạm phát mà thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức”, ông Ngoạn phát biểu.
Mạnh Bôn