Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Thông tư nêu rõ, giám sát ngân hàng phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng giám sát ngân hàng; kết hợp giám sát tuân thủ với giám sát rủi ro; kết hợp giám sát an toàn vi mô với giám sát an toàn vĩ mô.
Nội dung giám sát ngân hàng gồm: Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu giám sát; xem xét, theo dõi tình hình chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng của đối tượng giám sát ngân hàng.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động, các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hệ thống các tổ chức tín dụng; kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định rõ về nội dung giám sát an toàn vi mô và vĩ mô. Các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng bao gồm: Khuyến nghị, cảnh báo; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2017.