Tài chính - Chứng khoán
Giảm thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách
Mạnh Bôn - 25/06/2024 08:44
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% tiếp tục được kéo dài hết năm 2024 không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng cuối năm 2024 chắc chắn tác động tới thu - chi năm nay, thưa ông?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc giảm thuế giá trị gia tăng 2%, trong 6 tháng đầu năm, NSNN giảm thu 23.500 tỷ đồng và tiếp tục kéo dài hết năm nay, thì cả năm giảm thu khoảng 47.500 tỷ đồng.

Nếu cộng cả các chính sách miễn, giảm, gia hạn khác sắp hoặc được thực hiện thì NSNN còn giảm thu nhiều hơn, nhưng điều này không ảnh hưởng đến cân đối NSNN năm nay.

Rõ ràng, NSNN giảm thu chắc chắn ảnh hưởng đến cân đối thu - chi. Vậy tại sao việc giảm các loại thuế, phí lại không ảnh hưởng đến cân đối, thưa ông?

Dự toán cân đối ngân sách năm nay đã được Quốc hội thông qua từ tháng 11 năm ngoái, tức là tất cả các khoản thu, chi đã được dự liệu, tính toán rất kỹ, việc giảm thuế được thực hiện sau khi dự toán đã được thông qua, nên về lý thuyết, thu giảm trong khi các khoản chi không giảm thì ảnh hưởng ngay tới cân đối thu - chi. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm 4 lần thực hiện miễn, giảm trước đây (kể từ năm 2020), khi xây dựng dự toán, Chính phủ đã tính toán, trong trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi, doanh nghiệp gặp khó khăn thì tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, nên dự toán thu xây dựng “hơi non” so với thực tế có thể đạt được. Vì thế, việc miễn, giảm không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách.

Năm nay, các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã và sắp ban hành không ảnh hưởng gì đến nguồn tài chính để chi các khoản đã có trong dự toán. Trong 5 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu ngân sách đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023, trong khi tổng chi ngân sách mới đạt 31% dự toán, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vì thế, trong nửa cuối năm nay, giả sử ngân sách có giảm thu do giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, tăng chi để đẩy nhanh đầu tư công, thì cân đối thu - chi ngân sách vẫn bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ vẫn rất an toàn.

Nhưng trong cân đối thu - chi có điều rất khó hiểu là mặc dù việc miễn, giảm được thực hiện sau khi Quốc hội đã thông qua dự toán, nhưng năm nào cũng thu vượt dự toán và tăng hơn năm trước. Ông giải thích thế nào?

Dự toán ngân sách năm sau được xây dựng từ tháng 7 - tháng 8 năm trước, đến tháng 10, Chính phủ thông qua và trình Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11, nên yêu cầu chính xác rất khó. Vì hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của kinh tế, chính trị thế giới. Trong một thế giới bất định, không tài nào tiên lượng được điều gì sẽ xảy ra, không thể tính được giá dầu thô, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, lương thực, thực phẩm... biến động ra sao vì phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ngay cả tỷ giá VND/USD cũng rất khó dự đoán vì phụ thuộc vào chính sách thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong bối cảnh này, dự toán thu thường thấp hơn thực tế có thể thu được... cho chắc ăn, nên số thu thường xuyên vượt dự toán.

Thực tế những năm vừa qua cho thấy, hoạt động đầu tư công, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh... những tháng đầu năm không đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, nhưng kể từ quý III trở đi, mọi hoạt động vào guồng, có những khoản thu tăng rất mạnh, đặc biệt thu từ đất đai, nên tăng thu so với năm trước. Hơn nữa, giảm thuế không đồng nghĩa với giảm thu, thậm chí còn tăng thu. Tôi lấy ví dụ, nếu không giảm thuế giá trị gia tăng, NSNN thu được 10 đồng với thuế suất 10%, nhưng khi giảm thuế xuống 8%, ngân sách có thể thu được 12-16 đồng vì người tiêu dùng tăng chi tiêu gấp 1,5-2 lần.

Chưa kể, nhiều khoản thu mới phát sinh có số thu rất lớn gần đây mới tập trung khai thác, nên dư địa tăng thu còn rất lớn.

Vậy ông dự liệu năm nay thế nào?

Vào cuối tuần này (ngày 29/6/2024), Tổng cục Thống kê mới công bố tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm, song ai cũng có thể nhìn thấy bức tranh khá xán lạn.

Với bức tranh này, Chính phủ quyết tâm tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5%). Kinh tế tăng trưởng cao thì lo gì thu NSNN không vượt dự toán.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng không bao giờ chủ quan, nên đã ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP (ngày 18/6/2024) về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô với phương châm phải bản lĩnh, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không bi quan, lo sợ; theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo tinh thần chủ động “tấn công, phòng ngự” từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát, từ cơ sở.

Tin liên quan
Tin khác