Ngân hàng - Bảo hiểm
Gian nan tái cấu trúc công ty chứng khoán
Nguyên Minh - 28/01/2019 15:22
Việc thay tên đổi họ để bước đầu tái cấu trúc là điều xảy ra với nhiều công ty chứng khoán trong thời gian qua.

Thêm công ty chứng khoán muốn đổi tên

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Công ty cổ phần Chứng khoán Toàn Cầu (VGS) đã công bố Nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông sau khi tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản. Theo quyết định mới nhất này, VGS thống nhất hủy bỏ tên giao dịch của Công ty dự kiến thực hiện tại nghị quyết ngày 21/9 của Ðại hội đồng cổ đông.

Nội dung này trước đó cũng đã được Công ty đưa ra bàn thảo. Theo Ban lãnh đạo doanh nghiệp, nhằm tái cấu trúc hoạt động của Công ty, đón đầu nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán và nhằm phù hợp với tình hình thực tế hoạt động, VGS dự kiến đổi tên.

Trong kế hoạch cũ đã được thông qua năm 2018, VGS dự kiến “thay tên đổi họ” thành Công ty cổ phần Chứng khoán Viking. Tuy nhiên trong kế hoạch mới nhất, tên giao dịch mới sẽ được đổi thành Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers.

So với trước đây, thời kỳ sau khi đổi chủ đã tạo ra làn gió mới tại KBSV.

Không chỉ muốn đổi tên, VGS cũng tiến hành tăng vốn, thậm chí kế hoạch ban đầu được đưa ra là tăng vốn thêm tới 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm 100 triệu cổ phần. Tuy nhiên, VGS đã điều chỉnh và tiến hành tăng vốn từ 35 tỷ đồng lên 339 tỷ đồng. Số cổ phần mới này được phát hành cho 20 nhà đầu tư, tuy nhiên không có bóng dáng nhà đầu tư tổ chức nào trong danh sách này.

Việc thay tên đổi họ để bước đầu tái cấu trúc là điều xảy ra với nhiều công ty chứng khoán trong thời gian qua. Một số công ty chứng khoán yếu kém chọn cách thay đổi tên, từ đó thay đổi bộ nhận diện thương hiệu như là phương án để xóa đi những ấn tượng về hoạt động không tốt của doanh nghiệp trong quá khứ.

Ðiều này là dễ hiểu, bởi so với mặt bằng chung của thị trường hiện tại, gần như chỉ có khoảng 17 - 18 công ty chứng khoán có độ phổ biến thương hiệu lớn trong bộ phận các nhà đầu tư chứng khoán, nhờ đó duy trì được thị phần trọng yếu.

Nhiều công ty chứng khoán nhỏ khác không cạnh tranh nổi về mặt hình ảnh, cùng với những hoạt động nghiệp vụ nếu không mấy nổi bật sẽ nhanh chóng chìm theo tiếng tăm của doanh nghiệp.

Như tại Công ty Chứng khoán Toàn Cầu, ngoài việc cái tên hiện tại không tạo được dấu ấn cho doanh nghiệp, thì VGS cũng đã trải qua một thời gian khá dài thua lỗ trong giai đoạn 2014 - 2016. Mặc dù đã có lãi trở lại vào hai năm gần đây, song khoản lợi nhuận 6 - 7 tỷ đồng mỗi năm vẫn khá nhỏ bé so với các doanh nghiệp cùng ngành. Hiện tại, mảng môi giới đang chống đỡ cho cả công ty chứng khoán này. 

Ðổi tên không phải chìa khóa tái cấu trúc

Từ câu chuyện của Công ty Chứng khoán Toàn Cầu và bức tranh toàn cảnh việc tái cấu trúc tại các công ty chứng khoán khác càng thấy rõ hơn sự gian nan để tìm đến quả ngọt trong quá trình không hề dễ dàng này. Thực tế, trong số những công ty chứng khoán thay tên thời gian vừa qua, khá ít trong đó có khả năng “đổi vận”.

Trở thành một thành viên của Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc qua thương vụ M&A cuối năm 2017, Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI) được chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vào ngày 17/1/2018. Ðây là một trong những trường hợp được đánh giá tái cấu trúc có nhiều chuyển biến tích cực.

Báo cáo tài chính KBSV cho thấy, trong quý IV/2018, doanh thu hoạt động của Công ty tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán (68 tỷ đồng). Nhờ vậy, mức lợi nhuận sau thuế đạt gần 11 tỷ đồng, vượt xa so với khoản lỗ 0,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017. KBSV cho biết, đây là kết quả đạt được nhờ quy mô kinh doanh và hiệu quả hoạt động của Công ty đang được mở rộng và cải thiện.

Lũy kế cả năm 2018, KBSV đạt gần 270 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt mức tăng trưởng 101% và 95%. Trong năm này, KB cũng đã hoàn tất việc tăng vốn đợt 1 lên 1.107 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Công ty sẽ tiếp tục chào bán cổ phiếu để tăng vốn đợt 2 ngay trong quý I/2019 để đạt mức vốn điều lệ 1.680 tỷ đồng và nằm trong Top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Có thể thấy rõ so với giai đoạn trước đây, thời kỳ sau khi đổi chủ đã tạo ra làn gió mới tại KBSV. Việc tận dụng được ưu thế về nguồn vốn, cũng như sự hỗ trợ về tệp khách hàng từ Tập đoàn mẹ đang ngày càng giúp mục tiêu chinh phục Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cao trên thị trường của KBSV ngày càng gần hơn.

Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam được đổi tên từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ðệ Nhất vào tháng 2/2018. Sự thay đổi này đến từ việc nhóm cổ đông là Công ty Chứng khoán Yuanta Hong Kong và Yuanta Securities Asia Financial Services Ltd cùng nhau mua đến 100% vốn cổ phần của Ðệ Nhất.

Với sự thay đổi này, Yuanta Việt Nam nhanh chóng được tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng nhằm gia tăng năng lực tài chính và thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ, cho thấy tham vọng bước vào Top những công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, không phải công ty chứng khoán nào cũng có được sự may mắn đến từ những cuộc đổi chủ có năng lực tài chính lớn như KBSV hay Yuanta. Năm 2018 chứng kiến sự thay đổi tên tuổi của hàng loạt các công ty chứng khoán, từ đó hình thành nên những cái tên mới như Công ty cổ phần Chứng khoán Everest, Công ty cổ phần Chứng khoán Funan, Công ty cổ phần Chứng khoán HFT… nhưng những tín hiệu triển vọng từ các gương mặt này vẫn khá ít ỏi, nhất là trong giai đoạn thị trường chứng khoán diễn biến không như kỳ vọng trong năm vừa qua.

Cụ thể, Chứng khoán Everest và Chứng khoán Funan đều có một năm 2018 với kết quả lợi nhuận thụt lùi so với năm trước. Tuy vậy, đối với một số công ty chứng khoán mới này, việc đổi tên và những nỗ lực trong quá trình tái cấu trúc thời gian qua phần nào đã tạo nên được dấu ấn nhất định đối với nhà đầu tư. Và dù gì, muốn hái quả ngọt cũng phải cần một quá trình.

Quay trở lại với kế hoạch của VGS, năm 2018, VGS đã có nhiều quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các nhân sự cấp cao. Bên cạnh việc thay máu đội ngũ lãnh đạo cùng kế hoạch đổi tên, VGS còn có một quyết định “táo bạo” sau khi tăng vốn là thông qua việc đầu tư tối đa 77% vốn chủ sở hữu của Công ty vào An Phát, trong đó tối đa 70% đầu tư vào trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát và 7% đầu tư vào chứng quyền của Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA).

Mặc dù lãnh đạo VGS hiện tại từ chối chưa đưa ra ý kiến về những quyết định mới này của doanh nghiệp, song quyết định này gây bất ngờ cho khá nhiều nhà đầu tư và việc có thành công với chiến lược này hay không vẫn cần có thời gian để trả lời.

Tin liên quan
Tin khác