Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5230/VPCP – CN gửi Bộ GTVT, UBND TP.HCM, UBND các tỉnh: Long An, Tiền Giang truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tiền Giang; UBND tỉnh Long An và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tại các văn bản nêu trên theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Vào cuối tháng 7/2022, UBND TP.HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chủ trì họp cùng với các bộ, ngành và địa phương liên quan gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang để thống nhất kế hoạch, phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc theo phương thức PPP. Đồng thời, giao cho một địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo quy định.
UBND TP.HCM cho biết, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn (2 làn khẩn cấp); tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm mặt cắt 8 làn (2 làn xe thô sơ) được dự kiến mở rộng quy mô 8 làn xe giai đoạn sau năm 2020. Giai đoạn 1, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã đầu tư tuyến chính 6 làn xe (trong đó có 2 làn dừng khẩn cấp). Hiện lượng xe qua đường cao tốc rất lớn, quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến chính và các tuyến nối được tính toán cách đây hơn 10 năm, không đáp ứng với nhu cầu đi lại. Đường cao tốc thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là các dịp cuối tuần, lễ tết; không đảm bảo cho việc kết nối vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đối với Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Long An giữ vai trò là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao - Thuê dịch vụ).
Nhà đầu tư này cũng đồng thời đề xuất cơ chế tổ chức thu phí dự án giai đoạn 1 để tạo nguồn đầu tư giai đoạn 2, đảm bảo hoàn thành vào năm 2025. Với cơ chế này, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng lên quy mô mặt cắt ngang 32,85m, gồm 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.355 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Nhà nước tham gia 2.650 tỷ đồng (50%); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 406 tỷ đồng; vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là 2.300 tỷ đồng. Trước mắt, ngân sách Nhà nước sẽ không phải bỏ ra ngay mà sẽ trả chậm trong 10 năm (sau khi thu phí giai đoạn 1), nhà đầu tư sẽ huy động vốn tự có và các nguồn vốn khác để thực hiện.
Đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất mở rộng lên quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25m; tổng mức đầu tư ước khoảng 9.504 tỷ đồng.