Lại “nóng” hằn vệt bánh xe
Mặc dù không “nóng rẫy” như nhiệt độ mặt đường Quốc lộ 1, đoạn qua miền Trung giữa trưa tháng 7, nhưng không khí tại cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm thiết kế, thi công, quản lý, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa, do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức mới đây vẫn khá ngột ngạt.
Sau gần một năm yên lắng, “bóng ma” hằn lún vệt bánh xe lại quay trở lại, đặc biệt là Quốc lộ 1, đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Bình, khiến Bộ GTVT liên tiếp phải tung ra 3 tổ “đặc nhiệm” với sự tham gia những chuyên gia đầu ngành ra mặt đường để “chẩn bệnh, bốc thuốc”.
Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, sau đợt nắng nóng tháng 5/2015, có tới 7/10 dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 Ninh Bình - Vũng Áng (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe với tổng chiều dài bị hằn lún phải xử lý khoảng 16 km.
Trong số này, dính hằn lún vệt bánh xe nặng nhất là Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư đã bị lún tới 8,86 km/29,2 km chiều dài toàn tuyến.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, so với cùng thời điểm của năm 2014, hiện chất lượng bê tông nhựa mặt đường có khả năng chống hằn lún vệt bánh xe được cải thiện rất nhiều, với tỷ lệ hư hỏng bình quân khoảng 3,46% so với 8 - 10% năm 2014.
Mặc dầu vậy, đây vẫn là vấn đề khiến lãnh đạo Bộ GTVT đau đầu, bởi hầu hết các yếu tố chính dẫn tới hư hỏng hằn lún vệt bánh xe được điểm danh trong giai đoạn 2013 - 2014 như xe quá tải, nhà thầu thi công ẩu đã giảm thiểu rất nhiều.
“Các nhà thầu đều đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện tốt nhất, chất lượng nhất các đoạn tuyến do đơn vị mình thi công. Thậm chí có những nhà thầu sẵn sàng bỏ tiền túi để thuê chuyên gia xây dựng tỷ lệ phối bê tông nhựa 2 lớp để chống hằn lún, thế nhưng, đường đưa vào khai thác vẫn hằn lún, phải cào bóc, sửa chữa tốn kém”, ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẳng định.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, sau khi xin sự chia sẻ của báo giới và công luận, đại diện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), đơn vị được coi là có trình độ thi công bê tông nhựa tốt nhất nước, cho biết, họ “thật sự hoang mang”, bởi sau khi đã làm đủ mọi biện pháp nhưng lún vẫn hằn lún.
Nhiệt độ là thủ phạm duy nhất?
Theo ông Dũng, mấu chốt trong vấn đề hằn lún ở khu vực miền Trung chính là nhiệt độ. Cùng một hỗn hợp, tỷ lệ phối, nhưng làm đường ở Hà Nội, Khánh Hòa, Nha Trang, Cần Thơ… thì không bị hằn lún vệt bánh xe, còn làm ở miền Trung thì hằn lún, thậm chí hằn lún nặng, liên tiếp. Cũng có những tuyến đường khai thác tới 2 năm không bị hằn lún, nhưng sau đợt nắng khủng khiếp vừa rồi cũng không thoát khỏi hằn lún.
Thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng giao thông, trong đợt nóng tháng 5/2015, tại khu vực Bắc Trung Bộ, nhiệt độ không khí có thời điểm đo được trên 40 độ C, trên mặt đường bê tông nhựa có thời điểm đo được trên 70 độ C, trong khi với 60 độ C, nhựa đường đã bắt đầu hóa lỏng.
“Chúng ta cần xem xét tìm ra loại phụ gia phù hợp cho hỗn hợp bê tông nhựa để kháng hằn lún, không bị biến dạng khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi”, ông Dũng đề xuất.
Chia sẻ quan điểm này, PGS-TS. Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho rằng, với các vùng miền khác nhau trên lãnh thổ sẽ có các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt khác nhau nên cần tính đến yếu tố này khi thiết kế mặt đường.
Theo ông Lương Xuân Chiểu, Trưởng phòng Thí nghiệm trọng điểm Trường Đại học GTVT (người đã trực tiếp tham gia tư vấn phối trộn bê tông nhựa cho nhà thầu Sơn Hải, nhà thầu cam kết bảo hành đường 5 năm trên đoạn Quốc lộ 1), ngoài yếu tố nhiệt độ, mỗi vị trí xảy ra hằn lún cục bộ đều có một nguyên nhân khác nhau: có nơi thì trồi nhựa do hàm lượng nhựa quá nhiều trong hỗn hợp bê tông nhựa lớp mặt, nơi thì lún do sử dụng nhiều thành phần hạt mịn, cũng có nơi bị lún do sử dụng cốt vật liệu đá có tính axit, dẫn đến bám dính bê tông nhựa kém…
Theo đại diện Cienco 4, qua thực tế tại 2 tuyến Nghi Sơn - Cầu Giát và Nam TP. Hà Tĩnh - Bắc thị trấn Kỳ Anh, có thể thấy việc sử dụng bê tông nhựa polymer thay thế bê tông nhựa thường bề mặt đã cơ bản khắc phục được tình trạng hằn lún vệt bánh xe.
Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT xem xét đưa bê tông nhựa polymer (chi phí đắt hơn 1,4 lần bê tông nhựa thường) cho các đoạn tuyến ở khu vực miền Trung. Đồng thời, có chỉ dẫn cụ thể về thành phần hạt thô, hàm lượng nhựa và bột khoáng trong hỗn hợp bê tông nhựa, biện pháp tổ chức thi công… trong quá trình sửa chữa khắc phục hằn lún vệt bánh xe.