Quốc tế
Giới phân tích: Trung Quốc còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ
Đông Phong - 30/11/2022 14:23
Giới phân tích cho rằng suy thoái kinh tế và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm lãi suất sâu hơn.
Quyết định cắt giảm 25 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được kỳ vọng sẽ bơm 500 tỷ nhân dân tệ thanh khoản vào nền kinh tế. Ảnh: AFP

Giới phân tích kinh tế quốc tế đưa ra nhận định trên sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ thực hiện cắt giảm 25 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng từ ngày 5/12.

Động thái trên đã gây bất ngờ cho nhiều nhà phân tích bởi trước đó Ngân hàng Trung ương Quốc đưa ra những cảnh báo về rủi ro lạm phát. Nó cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về triển vọng tăng trưởng khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này gần đây tăng kỷ lục. Các biện pháp hạn chế sự lây lan của Covid-19 nghiêm ngặt hơn ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Quảng Châu đã khiến hoạt động kinh tế tiếp tục bị suy giảm hơn nữa, đồng thời làm gia tăng căng thẳng xã hội.

Quyết định cắt giảm 25 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc được kỳ vọng sẽ bơm 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 70 tỷ USD) thanh khoản vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước đó, vào tháng 4/2022, Trung Quốc lần đầu tiên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm.

Ông Yu Yongding, cựu thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho rằng: "Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là ổn định tăng trưởng hơn là kiềm chế lạm phát". "Trung Quốc cần kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng", ông Yu Yongding nói thêm.

Chuyên gia này kêu gọi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất và chính phủ bán thêm trái phiếu chính phủ để cấp vốn cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, các nhà kinh tế khác cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang trở nên thuận lợi hơn cho công tác điều hành chính sách của cơ quan này. Một trong các tín hiệu thuận lợi là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã đánh tiếng sẽ hãm tốc độ tăng lãi suất và nếu điều này được thực hiện, áp lực lên đồng nhân dân tệ sẽ vơi bớt.

So với năm 2020, mức độ kích thích kinh tế thông qua các công cụ truyền thống của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong năm 2022 có chiều hướng hẹp hơn. Cơ quan này đã thực hiện cắt giảm tổng cộng 20 điểm cơ bản đối với lãi suất cơ bản, thấp hơn mức 30 điểm cơ bản trong năm 2020. Cũng trong năm 2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hai lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, trong khi năm 2020, số lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là ba.

Thay vì tăng cường kích thích kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã dựa nhiều hơn vào các công cụ cấu trúc, cấp vốn bởi các ngân hàng chính sách nhà nước, và công cụ quản lý tín dụng mang tên "cửa sổ định hướng".

Wang Yiming, cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, gần đây hé lộ rằng việc nới lỏng chính sách của cơ quan này có thể trở nên kém hiệu quả hơn khi nhu cầu vay trong nền kinh tế đang bị hạn chế bởi các biện pháp phòng chống dịch.

Quan điểm trên đã được một số nhà kinh tế cảnh báo trước đó rằng Trung Quốc đang rơi vào "bẫy thanh khoản" - một tình trạng mà lãi suất giảm đi nhưng không thể thúc đẩy hoạt động cho vay vì niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng quá thấp.

Ông David Qu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Bloomberg, cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản. Cơ quan này cũng có thể cắt giảm 20 điểm cơ bản lãi suất cho vay trên thị trường mở (lãi suất MLF) kỳ hạn 1 năm. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ thực hiện điều đó trong hai đợt, với lần cắt giảm 10 điểm cơ bản đầu tiên vào quý I/2023".

Các nhà kinh tế nhận định, bất kỳ biện pháp nới lỏng tiền tệ nào cũng sẽ được Trung Quốc cân nhắc thận trọng nhằm duy trì dư địa chính sách để đối phó với những cú sốc toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dường như đã hành động như vậy, vì cả hai lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay chỉ là 25 điểm cơ bản - thấp hơn so với các lần cắt giảm 50 hoặc 100 điểm cơ bản trước đó. Các nhà kinh tế dự đoán, các đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức nhỏ hơn trong thời gian tới, bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể có chỗ cho mức cắt giảm khoảng 280 điểm cơ bản.

Ngân hàng đầu tư UBS cho rằng sau động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới đây, Trung Quốc có thể sẽ giảm lãi suất tiền gửi. Các ngân hàng Trung Quốc cũng có thể giảm từ 5 đến 10 điểm cơ bản lãi suất cơ bản đối với khoản vay 5 năm trong những tháng tới, theo dự đoán của các nhà kinh tế của UBS.

Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie Group nhận định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ sử dụng nhiều công cụ quản lý tín dụng "cửa sổ định hướngđể thúc giục các ngân hàng bơm vốn cho các nhà phát triển bất động sản. Đây sẽ là cách hiệu quả và có mục tiêu hơn để giải quyết khủng khoảng bất động sản - một trong những cơn gió nghịch lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt.

Chuyên gia kinh tế Yu Xiangrong từ Citigroup đánh giá rằng khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất là thấp. Chuyên gia này cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng như bất động sản và cơ sở hạ tầng, đồng thời "duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý thông qua các công cụ cơ cấu".

Hiện tại, các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đã cam kết tài trợ ít nhất 1,28 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 178 tỷ USD) để hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản trong nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản.

Nhiều dự đoán đưa ra rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách Zero-Covid và mở cửa trở lại đất nước vào nửa cuối năm 2023 và sự phục hồi kinh tế sau đó có thể sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách vào cuối năm.

Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard Chartered, cho biết: "Chính sách tiền tệ có thể sẽ nới lỏng như giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, cho đến khi chính sách Covid thay đổi và nền kinh tế phục hồi".

Tin liên quan
Tin khác