Thời sự
Giữ lại Điều 4 và không đổi tên nước
Mạnh Bôn - 27/05/2013 17:01
Kết thúc phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng nay, tất cả các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia thảo luận đều đồng tình quan điểm giữ lại Điều 4 và vẫn để tên nước là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Thượng tướng Lê Hữu Đức, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Hữu Đức, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, không chỉ giữ nguyên Điều 4 mà cần phải quy định cụ thể: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân… là lực lượng lãnh đạo duy nhất Nhà nước và xã hội”.

“Phải bổ sung cụm từ “duy nhất” để chống lại tư tưởng của một số ít người muốn đa nguyên, đa đảng hòng trục lợi cá nhân chứ không vì lợi ích của dân tộc, của xã hội và của tuyệt đa đa số quần chúng nhân dân”, tướng Lê Hữu Đức phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa)… cũng đề nghị giữ nguyên tinh thần Điều 4 Hiến pháp năm 1992, nếu có sửa thì chỉ sửa bổ sung cụm từ “duy nhất” để khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo (hoặc là lực lượng lãnh đạo duy nhất) Nhà nước và xã hội” để thể hiện rõ vai trò của Đảng đối với dân tộc, nhân dân và xã hội.

Cùng quan điểm giữ nguyên tư tưởng của Điều 4 Hiến pháp năm 1992, ĐBQH tỉnh Bình Thuận, ông Hà Minh Huệ cho rằng, nên thiết kế lại Điều 4 một cách thật ngắn gọn, nhưng phải thể hiện được tư tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội đồng thời cũng khẳng định Đảng và mọi tổ chức của Đảng hoạt động theo Hiện pháp và pháp luật.

“Tôi cho rằng, Hiến pháp chỉ cần quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo (duy nhất) Nhà nước và xã hội. Các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, ông Huệ nêu ý kiến.

ĐBQH tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Xuân Tỷ cho biết, giữ lại Điều 4 không chỉ là ý trí, nguyện vọng, mong mỏi của ĐBQH, mà là của tuyệt đại bộ phận quần chúng nhân dân và cử tri cả nước.

“Đi tiếp xúc cử tri và theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, giữ lại tinh thần của Điều 4 Hiến pháp năm 1992 là nguyện vọng của tuyệt đại cử tri cả nước”, ông Tỷ thông tin.

“Giá như năm 1976 chúng ta không đổi tên nước từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa XHCN Việt Nam thì vấn đề này không cần phải tranh luận khi sửa đổi Hiến pháp”, ông Thuận Hữu, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.

Không bình luận tên nước hiện nay phù hợp hay tên cũ phù hợp hơn, song theo ông Thuận Hữu, trước mắt việc đổi tên nước không nên bàn luận đến nữa.

“Gần 20 năm trước chúng ta đã cấm pháo. Từ đó đến nay người dân cũng đã quen với việc ngày lễ, ngày tết, tân gia, cưới xin… không có tiếng pháo. Bây giờ lại có người đưa ra ý tưởng cho đốt pháo hỏa thuật giải trí (pháo không tiếng nổ). Chẳng biết cho đốt loại pháo này nhằm mục đích gì. Tương tự như vậy, từ năm 1976 đến nay, người dân, tổ chức quốc tế, bạn bè quốc tế đã quen với tên nước ta là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam rồi thì đặt vấn đề đổi tên nước làm gì, nhằm mục đích gì?”, ông Thuận Hữu đặt câu hỏi.

Thượng tướng Lê Hữu Đức, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Đặng Đình Luyến, Lê Đắc Lâm, Nguyễn Xuân Tỷ, Huỳnh Văn Tí… cũng dứt khoát quan điểm: “Không đổi tên nước”. Bởi một mặt người dân, tổ chức quốc tế, bạn bè thế giới đã quá quen thuộc với quốc hiệu nước ta; hàng triệu, hàng triệu người dân với biết bao thế hệ đã và đang tự hào với tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mặt khác, nếu đổi tên nước như một số đề xuất thì vô cùng lãng phí, tốn kém mà không mang lại ích lợi gì cho nhân dân”, tướng Đức lập luận.

Còn theo ông Thuyền, nếu đổi tên nước thì phải in lại tiền cho đúng với tên nước mới, làm lại hàng trăm triệu quốc huy, sửa lại hàng tỷ loại giấy tờ khác nhau sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí vô cùng tốn kém, gây phiền phức không đáng có cho công tác quản lý nhà nước, cho nhân dân và doanh nghiệp.

“Tên nước hiện nay không chỉ phù hợp với ý trí, nguyện vọng của nhân dân, mà còn thể hiện đường lối phát triển đất nước trong hiện tại cũng như tương lai”, ông Thuyền nói thêm.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Tuyết, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu đổi tên nước mà thực sự cần thiết thì dù phải chi phí tốn kém về tiền bạc, mất nhiều thời gian và phải xử lý “cả núi công việc” phức tạp vẫn nên thực hiện vì tên nước gắn bó nhiều chục năm sau.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay và trong cả một thời gian dài nữa, tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn rất phù hợp, thể hiện ý trí, nguyện vọng của nhân dân và cũng không gây trở ngại gì trong quan hệ với bạn bè năm châu, với các tổ chức quốc tế thì chưa nên đặt vấn đề đổi tên nước”, ông Tuyết nói.

Tin liên quan
Tin khác