Nâng cao chất lượng, đặc biệt với hàng nông sản là yêu cầu bắt buộc để thâm nhập thị trường Trung Quốc. |
Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp
Những hoạt động kết nối, hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp thuận đường xuất khẩu sang Trung Quốc ngay sau khi thị trường này mở cửa đang được Bộ Công thương rốt ráo thực hiện nhằm tận dụng tối đa cơ hội sau một thời gian dài xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero-covid của nước này.
Khoảng 5 cuộc gặp kết nối doanh nghiệp Việt với các địa phương của Trung Quốc đã được tổ chức trong tháng 2/2023, chưa kể các chương trình gặp gỡ giao thương trực tiếp cũng như trực tuyến giữa các doanh nghiệp. Trong đó, đích thân Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh biên giới như Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây thống nhất các nội dung hợp tác thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong năm 2023.
Mới đây nhất, hôm 22/2, “tư lệnh” ngành Công thương đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam (Trung Quốc), thống nhất thiết lập các khung khổ hợp tác, thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Nam.
Nguồn: Bộ Công thương
Nhiều yêu cầu từ phía các nhà mua hàng Trung Quốc đã được thông tin tới nhà cung ứng Việt Nam, đặc biệt là nông, thủy sản để nâng cao khả năng đáp ứng lẫn thích ứng.
Năm 2022, trong khi các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng trưởng từ 20 đến hơn 30%, thì xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 3,3%, đạt gần 58 tỷ USD, là mức tăng thấp nhất trong các thị trường chủ lực.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, là đối tác thương mại và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, bất kỳ sự thay đổi nào từ thị trường Trung Quốc đều ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại. Bộ Công thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại.
Ngoài nhóm hàng công nghiệp (điện tử, dệt may, giày dép) có kim ngạch xuất khẩu lớn vài chục tỷ USD, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản “nhạy cảm” hơn với các quy định ngày một khắt khe của quốc gia nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội để tăng tốc xuất khẩu bởi nhu cầu của thị trường 1,4 tỷ dân là cực lớn.
Chẳng hạn, nhóm hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đang có triển vọng hơn cả. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 2,36 triệu tấn tinh bột sắn sang Trung Quốc, trị giá 1,11 tỷ USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với năm 2021, chiếm 94,9% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, trong năm 2022, Việt Nam cũng xuất khẩu được 632.990 tấn sắn lát khô sang Trung Quốc, trị giá 174,29 triệu USD.
Chất lượng là yêu cầu sống còn
Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông, thủy sản ngày càng lớn, nhưng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính để doanh nghiệp có gì bán nấy. Với các nhóm hàng xuất khẩu chính ngạch, tiêu chuẩn đã tiệm cận yêu cầu của Mỹ, EU, đòi hỏi các ngành hàng phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu, chế biến theo quy định của nhà nhập khẩu để không bị từ chối.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh, Trung Quốc đã có những thay đổi mạnh mẽ trong các quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm. Nông sản của Việt Nam muốn xuất khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải qua đàm phán, mở cửa thị trường từ cơ quan chức năng của hai nước. Điều này dẫn đến hoạt động sản xuất, sơ chế và chế biến cũng phải được nâng cấp theo yêu cầu do phía Trung Quốc đề ra.
Tư duy xuất khẩu sang thị trường gần cũng được các doanh nghiệp thay đổi nhiều, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu thêm các loại nông sản Việt như tổ yến, sầu riêng. Thậm chí, mặt hàng chuối vốn đã xuất khẩu chính ngạch từ nhiều năm nay, cũng được đưa thêm nhiều quy trình, tiêu chuẩn về trồng trọt, đóng gói… trong nghị định thư mới ký giữa 2 nước.
Theo đó, chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được Trung Quốc phê duyệt mã số, hoặc chuối chín, bị nứt vỏ thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật có lẫn đất, hoặc còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Đối với trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc, thì cũng không được phép nhập khẩu hoặc tiêu hủy.
Tương tự, với sầu riêng cũng vậy. Các lô hàng xuất khẩu chính ngạch phải đáp ứng những yêu cầu trong Nghị định thư, vùng trồng/cơ sở đóng gói sầu riêng phải được Trung Quốc cấp phép.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi lưu ý, cần giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu nông sản tiểu ngạch.
“Các loại nông sản, trái cây phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích”, ông Sơn khuyến cáo.
Khi đã chuẩn hóa các khâu sản xuất, chế biến, đóng gói, đáp ứng các quy định, cơ hội để tăng tốc xuất khẩu rất lớn. Đơn cử, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt trên 1 tỷ USD (năm 2022 là 421 triệu USD) do nhiều mã số vùng trồng và đóng gói đã được Trung Quốc cấp phép. Xuất khẩu chuối cũng vượt xa mốc hơn 300 triệu USD của năm ngoái.