Đầu tư
Gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo: Cần nhanh hơn, thiết thực hơn
Thanh Hương - 06/01/2025 09:12
Nhìn lại năm 2024, trong cả năm, không có dự án điện mới nào được triển khai. Đây là điều rất đáng suy nghĩ, bởi trên thực tế, tăng trưởng điện không hề “giậm chân tại chỗ”, mà đã đạt hơn 10% trong năm 2024.

Kế hoạch Vận hành hệ thống điện năm 2025 đã được phê duyệt giữa tháng 11/2024, với mức dự báo tăng trưởng điện là 11,3%. Tuy nhiên, với mục tiêu phấn đấu GDP năm 2025 tăng trưởng ở mức hai con số, thì Bộ Công thương cần phải tính toán phương án tăng trưởng điện cao hơn để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, nghĩa là tăng trưởng điện phải được dự phòng ở mức khoảng 15%. Và để đạt được con số này, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án điện mới.

Vừa qua, Bộ Công thương đã đưa ra kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, với một danh sách khá chi tiết và cụ thể về những vấn đề mà từng dự án đang gặp phải.

Mặc dù danh sách này có thể chưa nêu đủ số lượng dự án gặp vướng mắc cần tháo gỡ khó khăn được nêu trong các cuộc họp, nhưng cũng giúp nhiều chủ đầu tư biết được chính xác dự án của mình gặp khó khăn, vướng mắc gì, cần làm việc với đầu mối nào để giải quyết, tháo gỡ.

Còn nhớ, năm 2017, khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành, nhiều nhà đầu tư ở các lĩnh vực khác nhau đã “đổ xô” đầu tư dự án điện mặt trời, với kỳ vọng lớn về mức lợi nhuận. Tuy nhiên, trong số đó, có không ít nhà đầu tư chưa hiểu biết cặn kẽ quy trình triển khai dự án điện. Chưa kể, vì “chạy đua” về đích nhanh nhằm hưởng giá tốt, không ít chủ đầu tư đã thực hiện không đầy đủ quy trình đối với dự án điện theo quy định của pháp luật.

Kết luận số 1027/KL-TTCP được Thanh tra Chính phủ công bố cuối năm 2023 cho thấy, có tới 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch; chưa đầy đủ về thủ tục đất đai, nghiệm thu công trình...

Với tinh thần “khó đâu, gỡ đó”, Chính phủ là “địa chỉ” đầu tiên được Bộ Công thương kiến nghị, để giải quyết câu chuyện bổ sung quy hoạch điện, bởi với các quy định hiện hành, nếu không nằm trong quy hoạch điện, thì dự án không có căn cứ để triển khai các bước sau đó.

UBND các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là những “địa chỉ” tiếp theo mà nhà đầu tư cần phải gặp để xử lý vướng mắc.

Tuy nhiên, việc tháo gỡ vướng mắc không dễ được xử lý nhanh. Đơn cử, nếu muốn sửa đổi, bổ sung quy hoạch đất tại địa phương, thì phải chờ họp Hội đồng Nhân dân, mà thông thường, một năm, Hội đồng Nhân dân chỉ họp 2 kỳ. Nếu địa phương nào hỗ trợ, thì có thể đưa nội dung này vào các kỳ họp bất thường, nhưng cũng rất hiếm. Trường hợp tỉnh, thành phố cần phải xin điều chỉnh quy hoạch đất ở cấp cao hơn, thì còn mất thời gian hơn.

Đối với đàm phán giá điện của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, nhìn vào thực tế từ khi Bộ Công thương công bố giá trần tại Quyết định số 21/QĐ-BCT hồi đầu năm 2023 tới nay, tất cả dự án chuyển tiếp vẫn đang chấp nhận thanh toán ở mức 50% giá trần này và chưa kết thúc đàm phán Hợp đồng Mua bán điện để ký chính thức, thì muốn nhanh cũng phải… từ từ.

Lạc quan vì nhìn thấy rõ con đường cần phải đi trong giải quyết các vướng mắc, nhưng không ít nhà đầu tư cũng cho hay, hành trình đầu tư vào năng lượng tái tạo của họ sẽ được cân nhắc.

Hiện trong Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII chỉ có tên dự án và sẽ phải đấu thầu chọn chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án quá ngắn, giá bán điện thấp và được quy định bằng đồng Việt Nam. Gần đây, hàng loạt chính sách đối với ngành điện được ban hành, như Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn, Nghị định 135/2024/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và mới nhất là Luật Điện lực (sửa đổi), nhưng cũng phải chờ hướng dẫn mới có thể triển khai.

Thực tế này đòi hỏi việc gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo cần đẩy nhanh hơn nữa. Đồng thời, các cơ chế, chính sách để phát triển dự án điện cũng phải rõ ràng và có khả năng triển khai sớm. Có như vậy, mới khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia cùng các doanh nghiệp nhà nước, góp phần thực hiện được mục tiêu “Điện đi trước một bước”.

Tin liên quan
Tin khác