Y tế - Sức khỏe
Gỡ khó trong hợp tác công - tư lĩnh vực y tế
Dương Ngân - 25/05/2022 08:45
Hợp tác công - tư (PPP) được coi là giải pháp để nâng cao chất lượng và năng lực y tế. Song tại Việt Nam, PPP trong lĩnh vực y tế còn hạn chế do vướng chính sách.

Nhiều rào cản

Thông qua PPP, không chỉ huy động được nguồn lực tài chính, mà còn tận dụng được kinh nghiệm, trình độ quản lý, cung ứng dịch vụ của khu vực tư nhân để Nhà nước và tư nhân phối hợp cung ứng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ y tế), nhờ PPP, các bệnh viện đã có thêm hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển một số kỹ thuật mới. Một số bệnh viện mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn.

Cũng theo ông Khuê, nhờ PPP, một số bệnh viện đã cung ứng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài với chi phí rất đắt, thì nay Việt Nam đã có thể thực hiện được với chi phí hợp lý như ghép gan, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm…

TP.HCM là nơi thực hiện PPP khá thành công với nhiều kết quả. Cụ thể, năm 2018, Bệnh viện Gia An 115 có số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám, đã được khánh thành. Cũng trên địa bàn TP.HCM, tại quận 3, nhiều  trạm y tế cấp phường đã tận dụng tốt hệ thống thiết bị hiện đại của khu vực tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Các chuyên gia khuyến nghị, cơ cấu tổ chức trong ngành y tế cần được tăng cường để quản lý các dự án hợp tác và đối tác công - tư. Ở cấp Trung ương, Bộ Y tế nên thành lập một đơn vị chuyên trách thuộc Vụ Kế hoạch - Tài chính để thúc đẩy quá trình chuẩn bị, thực hiện và giám sát chương trình hợp tác công - tư, bao gồm các dự án PPP trong lĩnh vực y tế. Các tỉnh, thành phố có nhiều dự án PPP nên thành lập một tổ công tác chuyên trách về các dự án PPP y tế.

Tuy vậy, nhìn vào thực tế quá trình PPP đang diễn ra tại Việt Nam, theo một số chuyên gia, mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện chủ trương thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đó là việc thiếu quy định pháp lý cụ thể, nguồn nhân lực y tế còn thiếu, các quy định về tự chủ chưa hoàn thiện, đặc biệt nguồn nhân lực làm công tác PPP hiện còn thiếu chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm.

Ngoài ra, cơ chế giá dịch vụ y tế, chi trả bảo hiểm y tế còn hạn chế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở một số khu vực còn thấp. Dịch vụ do tư nhân đầu tư, người dân thường phải trả phần chênh lệch cao nên lượng người sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này không nhiều. Các mô hình hợp tác công - tư mới chủ yếu tập trung trong lĩnh vực hạ tầng, đầu tư bệnh viện, trong khi các mô hình hợp tác trong cung ứng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở còn ít.

Nói về nguyên nhân khách quan khiến công tác PPP trong y tế còn khá “khiêm tốn”, theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng khi đó trùng với thời điểm Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng Covid-19, dẫn đến việc đầu tư trong ngành y tế còn chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Nêu thực tế công tác PPP trong lĩnh vực y tế, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết, đến năm 2019, có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất tại Việt Nam. Song, chỉ có 13 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.

Cũng “mổ xẻ” về PPP y tế, theo Phó chủ tịch EuroCham Torben Minko, trong thực thi PPP vẫn còn những rào cản. Cụ thể, các chính sách hiện tại và các vấn đề trong quá trình thực thi là một trong những hạn chế làm suy yếu khả năng dự đoán và tính bền vững cần thiết để hỗ trợ quyết định đầu tư. Ngoài ra, chi phí kinh doanh cao hơn theo năm đối với các công ty dược đa quốc gia cũng tác động đến niềm tin đầu tư. Do vậy, rất cần có một khung pháp lý phù hợp hơn để thúc đẩy PPP phát huy hết tiềm năng.

Gỡ nút thắt

Hoàn thiện về chính sách, cơ chế đã nhiều lần được đặt ra kể từ khi Nhà nước có chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho y tế. Hội thảo với chủ đề “Tăng cường hợp tác công tư - Thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây đã gợi mở nhiều vấn đề.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, Luật PPP dù có nhiều quy định tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế, nhưng nếu không có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện thì sẽ rất khó phát huy hiệu quả.

Còn theo sông Lê Minh Sang, Tổ chức Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, về lâu dài, Chính phủ nên định hướng lại các dự án PPP y tế theo hai mục tiêu chính của hệ thống y tế quốc gia là công bằng và hiệu quả. Tất cả các dự án PPP y tế tiềm năng phải được sàng lọc nghiêm ngặt để chứng minh tính phù hợp với lợi ích của người dân và đảm bảo giá trị đồng tiền khi áp dụng phương thức này. Chỉ có những dự án PPP y tế qua sàng lọc mới được đưa vào trong kế hoạch phát triển ngành y tế và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Khi đó, Nhà nước sẽ có cơ sở để hỗ trợ cho các dự án PPP y tế hợp lệ, đặc biệt là những dự án hướng đến các nhóm dân cư chịu thiệt thòi, để chúng trở nên vững vàng về tài chính và thu hút được nhà đầu tư. Nếu không, có nguy cơ những dự án PPP (giống như phần lớn dự án liên doanh khác) sẽ hướng vào các khu vực có tiềm năng sinh lời cao, chủ yếu phục vụ các nhóm thu nhập cao.

Tin liên quan
Tin khác