Ảnh minh họa. Internet |
Ngành công nghiệp tỷ USD
Trong ngành nội dung số, game là ngành công nghiệp không khói “đẻ trứng vàng”. Báo cáo của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu của ngành game Việt Nam ước đạt 665 triệu USD, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Doanh thu của các game sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu ước đạt 200 triệu USD/năm.
“Việt Nam được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Nếu phát huy hết tiềm năng, chúng ta có thể đưa thị phần xây dựng mobile game Việt Nam từ 1,2% hiện nay lên 3-4% thị phần toàn cầu. Điều này có nghĩa là ngành công nghiệp phát hành mobile game của Việt Nam có thể có quy mô 3,5 - 4,5 tỷ USD/năm”, ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT phân tích tại một hội thảo.
Hiện có 50% tựa game mobile chơi nhiều nhất trên thế giới có nguồn gốc từ Việt Nam. Ngành game đang tạo việc làm cho hơn 180.000 người Việt viết ứng dụng trên Google Play Store và Apple App Store, đứng số một ở Đông Nam Á về số lượng lập trình viên.
Mức lương trung bình cho vị trí Game Developer (nhà phát triển phần mềm chuyên tạo ra game) khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí Game Artist (người thiết kế các hình ảnh trong game) khoảng 389 triệu đồng/năm. Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam.
Không những thế, game đang trở thành ngành công nghiệp dẫn dắt cho nhiều ngành nghề khác như marketing, quảng cáo, streamer… “Theo tìm hiểu của tôi, Việt Nam đang trong top đầu thế giới về doanh thu quảng cáo trong game. Nhiều công ty toàn cầu đang học theo thị trường Việt Nam”, ông Quyết Nguyễn, CEO iKame thông tin.
Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc phụ trách game, Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) cho rằng, dân số trẻ với hơn một nửa ở độ tuổi dưới 25, sự phổ biến của Internet và tỷ lệ sử dụng thiết bị di động cao đứng thứ 5 thế giới về tỷ lệ thuê bao điện thoại so với dân số, đứng vị trí thứ 10 trong danh sách các nước có số lượng người dùng smartphone nhiều nhất thế giới là những ưu thế quan trọng cho sự đột phá của thị trường game Việt Nam.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhận xét, các doanh nghiệp game tại Việt Nam vẫn đang sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên cơ sở hoạt động độc lập và chưa có sự gắn kết với nhau để cùng thúc đẩy ngành công nghiệp game phát triển trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay.
“Các doanh nghiệp sản xuất, phát hành game cần ưu tiên hợp tác phát hành các dòng game trong nước, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết để phát triển bền vững, dài hơi; hỗ trợ các cộng đồng game nhỏ, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là với các start-up vừa bước vào ngành, từ đó xây dựng một hệ sinh thái ngành game lành mạnh và bền vững tại Việt Nam”, ông Tự Do khuyến nghị.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các doanh nghiệp game Việt Nam cần tích cực mở rộng thị trường, xuất khẩu game ra nước ngoài. Xu thế này dự kiến đem lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp, góp phần rất lớn trong việc quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới,
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho ra đời Liên minh Các nhà sản xuất và phát hành game tại Việt Nam (VGDA) với trên 40 thành viên, đồng thời liên tục tổ chức các hội nghị kết nối, mở rộng ngành game. Sắp tới, Bộ sẽ tổ chức Ngày hội game Việt Nam tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), với nhiều sự kiện bên lề từ triển lãm, tổ chức các cuộc thi, xúc tiến thương mại…
Ông Thái Thanh Liêm, CEO studio game Topebox cho biết, nhiều studio game lớn trên toàn cầu đang hợp tác và tận dụng các thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Việc hợp tác này đã tạo ra các sản phẩm có sức lan tỏa hơn. “Topebox đang bắt tay cùng một số studio lớn để hỗ trợ nhau cả về con người lẫn tài chính, nhằm làm ra các tựa game quy mô toàn cầu… Đi cùng nhau sẽ được bảo vệ, được tận dụng lợi thế phát hành, được đứng cùng bên với những tên tuổi lớn”, ông Liêm cho biết.
Liên quan đến nội dung này, các doanh nghiệp trong VGDA cũng đề xuất, cần sớm thành lập Hiệp hội Trò chơi điện tử trên mạng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo start-up công nghệ và game Việt Nam để nghiên cứu, phát triển công nghệ mới cho thị trường game; kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp hỗ trợ các nhóm phát triển game trẻ; gắn phát triển game với phát triển thể thao điện tử…
Việt Nam có đến 28,4 triệu người chơi game.
50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam.
5/10 game studio hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam.
1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam.
Việt Nam hiện có gần 200 công ty phát hành, sản xuất game trong nước.
Có khoảng 900 game G1 và hơn 10.000 game G2, G3, G4 đang phát hành tại Việt Nam.