Sau thời gian thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn Go-Food tại TP. HCM, Go-Viet tiếp tục mở rộng và thử nghiệm dịch vụ này tại Hà Nội, bên cạnh dịch vụ gọi xe 2 bánh Go-Bike.
Bà Nguyễn Bảo Linh, đồng sáng lập, kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách tăng trưởng Go-Viet, cho biết, dịch vụ đã được đón nhận tích cực của người tiêu dùng tại TP. HCM, việc tiến ra thị trường Hà Nội là điều tất yếu.
Theo chia sẻ của bà Linh, Go-Food ngoài vai trò là dịch vụ mang tới tiện ích cho người tiêu dùng, còn là cơ hội để các đối tác tài xế gia tăng thu nhập. Dịch vụ này sẽ ngày càng được cải tiến về chất lượng nhằm tím kiếm sự tin tưởng của khách hàng, đối tác.
Go-Viet đã thu hút hơn 25.000 tài xế và đạt hơn 1,5 triệu lượt tải ở Việt Nam |
Khi triển khai tại TP. HCM vào cuối tháng 11 năm ngoái, Go-Food hưởng lợi từ việc sở hữu mạng lưới hàng ngàn đối tác là các cửa hàng ăn uống trên cả nước từ tiệm ăn bình dân Việt Nam, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, đến các nhà hàng sang trọng.
Tính đến tháng 7/2018, Go-Viet đã thu hút hơn 25.000 tài xế và đạt hơn 1,5 triệu lượt tải ở Việt Nam. Về mặt nền tảng công nghệ, cũng như quy trình vận hành, Go-Viet nhận được hậu thuẫn từ “kỳ lân” Go-Jek của Indonesia.
Việc Go-Viet nhanh chóng triển khai và thử nghiệm dịch vụ Go-Food ở Việt Nam cho thấy, đây thực sự là một thị trường tiềm năng. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, thị trường giao đồ ăn trực tuyến hiện được dẫn dắt bởi 5 cái tên là: GrabFood (của Grab), Now.vn (của Foody), Go-Food (của Go-Viet), Vietnammm và Lixi.
Trong đó, những tiêu chí quan trọng xác định dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng gồm: Tốc độ giao hàng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).