Ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines đã đệ đơn lên Toà án Trọng tài Quốc tế về Biển (ITLOS), thông qua Toà án Trọng tài Quốc tế (Permanent Court of Arbitration hay PCA) khởi kiện Trung Quốc về việc tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Vậy Philippines đã dựa trên cơ sở pháp lý nào để khởi kiện, ITLOS/PCA có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp hay không, các quan điểm về nội dung vụ kiện như thế nào, và khả năng vụ kiện sẽ tiến triển ra sao?
Bài viết này đề cập đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc từ quan điểm của Luật Trọng tài Quốc tế.
Bài 1 - Tranh cãi về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đối với vụ kiện
1. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo UNCLOS
Cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. UNCLOS quy định khung pháp lý về việc sử dụng các tài nguyên biển và đại dương, chủ quyền và quyền sử dụng các vùng biển. Đến nay 164 nước đã phê chuẩn và trở thành thành viên UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, Philippines và Việt Nam.
Tại Phần XV của Công ước có quy định cách thức giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia về cách giải thích UNCLOS. Theo Điều 287(1), các quốc gia thành viên có thể chọn các hình thức sau đây để giải quyết tranh chấp: (i) Toà án Trọng tài Quốc tế về Biển (ITLOS) tại Hamburg, Đức, (ii) Toà án Quốc tế (ICJ) tại La Haye, Hà Lan, (iii) trọng tài vụ việc theo Phụ lục VII của UNCLOS, thông qua trung gian là Toà án Trọng tài Quốc Tế (Permanent Court of Arbitration hay PCA), và (iv) “hội đồng trọng tài đặc biệt” thành lập theo Phụ lục VIII của UNCLOS.
Việt Nam và Malaysia cũng đã từng cùng trình nộp thoả thuận hoà giải của mình để được công nhận tại ITLOS, về chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế năm 2009 và sau khi thống nhất với Malaysia về việc cùng khai thác vùng chồng lấn thềm lục địa.
Như vậy, việc giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế UNCLOS không còn xa lạ đối với Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Trong 4 phương thức giải quyết tranh chấp về UNCLOS nêu trên, phương thức (iii) được coi là phương thức mặc nhiên áp dụng nếu các bên trong tranh chấp không có thoả thuận gì khác (Điều 287(3) và (5) UNCLOS) hay không có bảo lưu theo Điều 298 UNCLOS.
2. Trình tự tố tụng của vụ Philippines kiện Trung Quốc
Cho đến nay, đã có 9 vụ được thụ lý giải quyết theo Phụ lục VII UNCLOS, trong đó, có các vụ như Mauritius kiện Anh, Argentina kiện Ghana, Malaysia kiện Singapore, hay Ireland kiện Anh. Hầu hết các vụ kiện đã được kết thúc bằng phán quyết hay hoà giải thành (thí dụ vụ Malaysia kiện Singapore).
Tuy nhiên, cho đến nay, vụ kiện nổi tiếng và gây tranh cãi nhất vẫn là vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến “xác định chủ quyền của Philippines tại Biển Tây Philippines” (tức Biển Đông, theo tên gọi Việt Nam hay Nam Hải theo tên gọi Trung Quốc).
Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên Toà án Trọng tài Quốc tế về Biển (ITLOS), thông qua Toà án Trọng tài Quốc tế khởi kiện Trung Quốc về việc tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý |
Đơn khởi kiện được trình nộp đến ITLOS (tuy nhiên PCA là cơ quan đăng ký vụ kiện) ngày 22/1/2013. Ngày 21/6/2013, hội đồng trọng tài được thành lập bao gồm 5 thành viên; Jean Pierre Cot (Pháp), Stanislaw Pawlak (Ba Lan), Alfred Soons (Hà Lan), Rudiger Wolfrum (Đức) và Thomas Mensah (Ghana, là chủ tịch hội đông).
Một số thành viên hội đồng đồng thời cũng là thẩm phán ITLOS. Ông Rudiger Wolfrum được Philippines chỉ định làm trọng tài viên. Trung Quốc từ chối không chỉ định trọng tài viên, và vì vậy Chủ tịch ITLOS đã chỉ định ông Stanislaw Pawlak làm trọng tài viên do bị đơn chỉ định.
Ngày 27/8/2013, Quy tắc tố tụng trọng tài đã được công bố. Theo đó, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua phiên xử, và các bên sẽ có cơ hội ngang nhau trong việc trình bày quan điểm của mình. Phán quyết sẽ được tuyên theo nguyên tắc biểu quyết đa số, trừ các quyết định mang tính tố tụng sẽ do chủ tịch hội đồng trọng tài quyết định.
Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp là UNCLOS và các quy tắc luật pháp quốc tế không trái với UNCLOS. Nơi giải quyết tranh chấp là La Haye, Hà Lan. Ngôn ngữ trọng tài là tiếng Anh. Phiên xử sẽ được tiến hành công khai và phán quyết sẽ được công bố (khác với nguyên tắc bí mật của các vụ tố tụng trọng tài thông thường).
Sau khi các bên đã kết thúc việc trình nộp các bằng chứng của mình bằng văn bản, thì hội đồng trọng tài sẽ mở phiên xử trong vòng 3 tháng kể từ lần trình nộp cuối cùng (Điều 24 Quy tắc).
Trong trường hợp 1 bên tuyên bố không tham gia, bên còn lại có quyền yêu cầu hội đồng xử vắng mặt (Điều 25 Quy tắc) với điều kiện Hội đồng tuyên bố rằng mình có thẩm quyền đối với vụ kiện. Trong trường hợp xử vắng mặt, bên tham gia vẫn phải trình nộp mọi luận cứ mà mình sẽ trình bày trong phiên xử cho phía bên kia, để đảm bảo tính khách quan, công khai. Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Trong trường hợp các bên hoà giải trước khi ra phán quyết thì hội đồng trọng tài sẽ đình chỉ tố tụng và công nhận hoà giải thành. Phí trọng tài sẽ được tạm ứng đều giữa các bên, và quyết định về phí trọng tài sau cùng sẽ do hội đồng trọng tài quyết định.
3. Quan điểm của Trung Quốc: phản đối thẩm quyền của hội đồng trọng tài
Nếu một trong các bên phản đối thẩm quyền của hội đồng trọng tài, thì hội đồng sẽ họp để quyết định về thẩm quyền nếu việc phản đối được tiến hành vào lúc bị đơn gửi bản trả lời đơn kiện. Trong vụ kiện này, phía Trung Quốc đã gửi thông báo phản đối thẩm quyền và tuyên bố không tham gia vụ kiện, theo Điều 298 UNCLOS.
Tại cuộc họp báo hôm 11/4/2012 , Phó Đô đốc Alexander Pama, Tư lệnh hải quân Philippines, giơ tấm ảnh chụp 2 tàu hải giám Trung Quốc đến gần bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, nơi Philippines tuyên bố chủ quyền |
Điều 298 UNCLOS quy định các nước thành viên có quyền bảo lưu việc không áp dụng giải quyết tranh chấp UNCLOS bằng trọng tài trong một số trường hợp. Mặc dù vậy, nếu tranh chấp đã phát sinh trước khi gửi thông báo bảo lưu, thì các bên sẽ chuyển tranh chấp sang thủ tục hoà giải theo Phụ lục V của UNCLOS.
Trung Quốc đã gửi công hàm đến ITLOS ngày 25/08/2006 bảo lưu rằng mình sẽ không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nếu tranh chấp đó liên quan đến biên giới quốc gia, và vì vụ kiện liên quan đến “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc cho rằng thuộc về “biên giới quốc gia" của Trung Quốc, nên Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Nguyên văn bảo lưu của Trung Quốc là như sau: “Trung Quốc bảo lưu điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 15, 74 và 83 liên quan đến biên giới biển, các vịnh lịch sử hay chủ quyền, hoạt động quân sự hay thực thi pháp luật, hay các vấn đề mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền.”
Về phía Philippines, nước này cho rằng, đơn kiện của mình không liên quan gì đến biên giới quốc gia, mà là “xác định chủ quyền của Philippines tại Biển Tây Philippines”. Trong đơn kiện, Philippines không hề tranh cãi gì về biên giới quốc gia của Trung Quốc, mà chỉ nhắc đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò” đã được xác lập mà không có cơ sở pháp lý nào cả.
Như vậy, hội đồng trọng tài phải xác định xem liệu thực tế vụ kiện có phải là tranh chấp về đường biên giới quốc gia, vấn đề mà Trung Quốc đã bảo lưu hay không.
Ngoài việc viện dẫn Điều 298 UNCLOS, Trung Quốc còn cho rằng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là trái với nguyên tắc đàm phán song phương theo Quy tắc Ứng xử Biển Đông (DOC) năm 2000.
4. Nhận định về thẩm quyền của hội đồng trọng tài
Hiện nay, hội đồng trọng tài chưa đưa ra phán quyết, song nhiều khả năng hội đồng trọng tài phải thống nhất về định nghĩa thế nào là “biên giới trên biển”.
Nếu “biên giới” là ranh giới phân định giữa hai quốc gia, thì ranh giới đó phải có cột mốc cụ thể về thiên nhiên (thí dụ sông, suối, núi, đảo v.v.) hay là đường thẳng về kinh độ, vĩ độ, tọa độ, (thí dụ biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada), và hơn nữa phải có sự thống nhất về mặt khái niệm biên giới giữa các quốc gia cùng chung với đường biên giới đó.
Tuy nhiên khái niệm “đường lưỡi bò” thì lại không thoả mãn các nội dung trên. Khái niệm này xuất phát một cách mơ hồ về “truyền thống hàng hải 2000 năm của Trung Hoa”, về một tấm bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc năm 1947 mà không ai công nhận, không có toạ độ hay mốc, cũng không có nghị quyết nào của quốc hội Trung Hoa Dân Quốc nói về đường lưỡi bò thời bấy giờ, chưa kể là nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có công nhận chính phủ Trung Hoa Dân Quốc hay không mà nay đòi công nhận yêu cầu của Trung Hoa Dân Quốc, cũng là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Nếu coi đường lưỡi bò là “biên giới quốc gia” thì đây là một khái niệm chưa từng có tiền lệ trong bất kỳ đường biên giới của bất kỳ quốc gia nào.
Như vậy, nếu hội đồng trọng tài tập trung nghiên cứu khái niệm biên giới và kết luận đường lưỡi bò không thoả mãn khái niệm này, thì về bản chất, vụ kiện không đụng chạm đến đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và vì vậy thuộc phạm vi thẩm quyền của hội đồng.
Đây là câu hỏi quan trọng nhất cho toàn bộ vụ kiện, và như phân tích dưới đây, toàn bộ nội dung còn lại của vụ kiện không khó lắm để đi đến kết luận nếu hội đồng trọng tài tuyên bố mình có thẩm quyền xét xử.
Việc Trung Quốc dẫn chiếu đến DOC cũng không có căn cứ xác đáng bởi lẽ bản thân DOC tại nguyên tắc 1, 3 và 4 cũng yêu cầu các bên tuân thủ UNCLOS và khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Thực tế là cả các thành viên ASEAN như Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam cũng đã từng giải quyết tranh chấp với nhau về UNCLOS thông qua cơ chế trọng tài.
Có quan điểm cho rằng, cũng không loại trừ khả năng hội đồng trọng tài cho rằng việc Philippines yêu cầu xác lập chủ quyền thì cũng tương đương với việc xác định đường biên giới. Khó có thể cho rằng một quốc gia có chủ quyền ở vùng biển nào đó nếu vùng biển đó không nằm trong biên giới của mình.
Về mặt này, Philippines đã khéo léo khai thác khái niệm “Vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ). EEZ có thể nằm ngoài biên giới, song quốc gia làm chủ EEZ vẫn có chủ quyền khai thác về mặt kinh tế.
Đây cũng là một điểm mạnh mà Việt Nam có thể tham khảo, nhất là trong các tranh chấp liên quan đến việc Trung Quốc cắt cáp khoan thăm dò, hay đưa giàn khoan trái phép ra Biển Đông, nằm trong khu vực EEZ của Việt Nam.
Tóm lại, khả năng hội đồng trọng tài tuyên bố mình có thẩm quyền là đáng kể.
Vậy, nếu Hội đồng trọng tài tuyên bố có thẩm quyền, thì vụ kiện sẽ tiến triển như thế nào? Xin mời đón xem trong bài viết tiếp theo.
LS. Lê Nết (LNT & Partners)