Doanh nhân
Góc nhìn doanh nhân Việt: Dư địa cho những khát vọng lớn
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang nhìn thấy khát vọng của mình trong khát vọng phát triển đất nước. Nhưng điều này cũng có nghĩa yêu cầu có được dư địa để các khát vọng được thực hiện.

Quốc gia đổi mới, cải cách sẽ thu hút được các nguồn lực tốt để phát triển

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet

Tôi luôn tin rằng, Việt Nam có một tương lai tươi sáng ở phía trước và Chính phủ cùng doanh nghiệp đang nỗ lực để tương lai ấy đến gần hơn.

Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng tăng trưởng dài hạn này rất thách thức! Nhưng chúng ta có những nguồn lực, động lực để biến những khát vọng, mục tiêu này thành hiện thực.

Để đạt mục tiêu này, tôi xin đóng góp một số ý kiến.

Một là, hãy để Việt Nam là một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, ẩm thực, phục vụ mọi du khách. Vietjet đã vận chuyển hơn 100 triệu lượt khách hàng. Tàu bay Vietjet mang sắc đỏ, vàng rực rỡ và giai điệu Hello Vietnam phủ khắp các vùng trời quốc tế, quảng bá cho một Việt Nam xinh đẹp và hội nhập.

Hai là, cần quan tâm đầu tư phát triển vượt bậc trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới - sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động.

Trong thời gian vừa qua, Học viện Hàng không Vietjet đã đầu tư hiện đại nhất khu vực để đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật cao trong lĩnh vực hàng không trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Ba là, quan tâm đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics… đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới.

Bốn là, tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Một mặt hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp, nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Để hỗ trợ tăng trưởng, bên cạnh đổi mới tư duy, cần đổi mới quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Quốc gia đổi mới, cải cách sẽ thu hút được các nguồn lực tốt để phát triển.

Đặc biệt, sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành từ kế hoạch - đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…

Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá vai trò của các doanh nghiệp tư nhân

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI

Hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc từng là ước mơ cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, của người người, lớp lớp dân ta suốt hàng ngàn năm, nhưng chưa bao giờ ở gần chúng ta đến thế.

Chúng tôi mong và kỳ vọng Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện tốt nhất để cho khát vọng đó được nuôi dưỡng lớn mạnh, bùng cháy ở hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, để cho toàn thể đàn chim doanh nghiệp Việt, từ các cánh chim đại bàng, sếu đầu đàn và các cánh chim khác cùng kết thành một đàn, vượt qua mọi giông bão khó khăn, ấp ủ niềm tự hào xây dựng Tổ quốc của chúng ta vào dịp 100 năm kỷ niệm thành lập nước, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và hưng thịnh, xứng danh con cháu Lạc Hồng.

Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị thế và vai trò theo hướng ngày càng tích cực. Tôi tin rằng, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó.

Thực tế, doanh nghiệp tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn, mà đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ. Đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, như: công nghiệp điện tử, viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng…

Để cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực, đầu tiên, cần chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ “quản lý”, quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy “phục vụ”, lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Bình đẳng tiếp cận nguồn lực.

Bên cạnh đó, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật. Đồng thời, nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân.

Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến

Xác định đầu tư mở rộng sản xuất vẫn là nhiệm vụ chính để đón các cơ hội tăng trưởng, Việt Tiến sẽ chi đầu tư khoảng 300 tỷ đồng trong năm 2021 cho các hạng mục, như đầu tư xây dựng cơ bản (140 tỷ đồng), đầu tư máy móc thiết bị (30 tỷ đồng), đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp (120 tỷ đồng), góp vốn thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech….

Trước đó, May Việt Tiến và 2 đối tác chiến lược là Luenthai và Newtech đã bắt tay hợp tác triển khai Dự án Việt Thái Tech, chuyên sản xuất vải, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, rút ngắn thời gian sản xuất, thời gian giao hàng, và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng từ khách hàng. Dự án Việt Thái Tech có tổng kinh phí đầu tư là 20 triệu đô USD, không chỉ trở thành nơi thiết kế và sản xuất vải cho các sản phẩm nội địa của Việt Tiến, mà còn phục vụ cả thị trường xuất khẩu.

Quan điểm của tôi là để ngành dệt may phát triển, đóng góp được nhiều hơn trong tăng trưởng kinh tế, cần những doanh nghiệp mạnh, dẫn dắt, đầu tư đổi mới sáng tạo để nâng chất lượng sản phẩm, xuất khẩu được đơn giá cao. Việt Tiến đã và đang đi theo hướng đó, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài cùng xây dựng các dự án sản xuất.

Tư duy chấp nhận cái mới, cho cái mới thử nghiệm sẽ kích khát vọng của người dân

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình

Gần đây, mọi người đang nói nhiều đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội XIII cũng nhắc nhiều đến những phương thức phát triển mới. Đây là điều vô cùng quan trọng. Tôi nói vậy nghe có vẻ lý thuyết, nhưng chúng tôi đang nhận diện rõ rằng, phải phát triển bền vững mới có kết quả thật, lợi nhuận thật, còn phát triển nóng chỉ có thể nhất thời, dù đó là nền kinh tế, doanh nghiệp hay người dân.

Khi nhận diện được đó là tất yếu, là xu thế thì không cần vận động, doanh nghiệp vẫn sẽ tuân theo. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào từng cá nhân, sẽ có người đi nhanh, đi chậm.

Lúc này, cần lắm tư duy đổi mới của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước. Làm sao để người dân không ngần ngại thử nghiệm sáng kiến, không ngại chọn cách đi mới, không ngần ngại đầu tư vào đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của Nhà nước. Tư duy chấp nhận cái mới, cho cái mới dư địa để thử nghiệm sẽ kích khát vọng của người dân, doanh nghiệp.

Đề nghị để doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, tham mưu chính sách một cách sát thực hơn. Chúng tôi là người làm thực tế, có thể phát hiện những vấn đề vướng mắc, mong rằng các khuyến nghị của chúng tôi được xem xét một cách cẩn trọng.

Khi doanh nghiệp đặt mục tiêu lớn, thì dù khó khăn tới đâu cũng tìm cách đạt được

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex)

Vinasamex là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm quế, hồi, với vùng sản xuất rộng lớn tại Lạng Sơn, Yên Bái…,  đã có “giấy thông hành” sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc. Chúng tôi đã chọn mô hình sản xuất, kinh doanh gia vị xuất khẩu đạt chuẩn cao của nhiều thị trường khó tính nhất. Không chỉ vậy, chúng tôi xác định trở thành đơn vị đầu tiên xây dựng chuỗi giá trị hữu cơ cho cây quế, cây hồi Việt Nam gắn với phát triển cộng đồng.

Khi doanh nghiệp đặt mục tiêu lớn, có khát vọng, thì dù khó khăn tới đâu cũng tìm cách đạt được.

Đặc biệt, chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ về vốn, chính sách ưu đãi của Nhà nước, cảm nhận thấy rõ những thuận lợi khi một loạt hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn có hiệu lực.

Chúng tôi chờ đợi và tin là sẽ có thêm sự hậu thuẫn này từ Chính phủ cho các kế hoạch đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Mục tiêu của chúng tôi trong những năm tới là sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất organic, củng cố vị trí đầu tàu trong ngành quế, hồi xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu quế, hồi Việt Nam trên thị trường thế giới và dần dần đứng đầu trong ngành sản xuất gia vị Việt Nam.

Để nâng sản lượng quế, hồi xuất khẩu bằng thương hiệu Việt Nam, Vinasamex vừa khởi công xây dựng Nhà máy chế biến quế hữu cơ tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn với tổng vốn đầu tư hơn 45 tỷ đồng. Nhà máy được lắp đặt dây chuyền chế biến với công nghệ hiện đại, có công suất 2.000- 3.000 tấn vỏ quế tươi/năm.

Gây dựng đội nhân sự công nghệ hùng hậu để thay đổi cuộc chơi    

Tiến sĩ Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập Got It

Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo (AI) tại thung lũng Silicon (Mỹ), tôi luôn mong muốn có thể ứng dụng những kết quả này để ươm mầm thế hệ trẻ Việt Nam.

Thế hệ trẻ Việt có lợi thế học toán, xác suất, thống kê khá tốt, nhưng lại không được tiếp xúc công nghệ từ sớm. Đến khi học đại học, chương trình cho sinh viên lại không đào tạo kỹ sư làm sản phẩm công nghệ, mà chủ yếu đào tạo kỹ sư gia công phần mềm để học nhanh và dễ kiếm việc. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của lớp trẻ Việt Nam trong tương lai.

Những người “khổng lồ” công nghệ đã làm thay đổi thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk... đều bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ độ tuổi lên 10. Vì thế, tôi cho rằng, nếu được định hướng và đào tạo tốt, nhất định lứa trẻ em hiện ở Việt Nam sẽ đi được rất xa.

Tôi cũng ấp ủ ý tưởng về việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và được đào tạo về công nghệ càng sớm càng tốt, với hy vọng trong tương lai không xa, đây chính là một lực lượng nhân sự công nghệ hùng hậu của Việt Nam để có thể thay đổi cuộc chơi.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 7-8 triệu trẻ em từ 8-16 tuổi, nếu có thể đào tạo tốt 10% trong số này thì có thể có thêm hàng trăm ngàn kỹ sư công nghệ giỏi trong tương lai.

Không những thế, những kiến thức khoa học máy tính giúp trẻ em học được tư duy logic để giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực của đời sống không nhất thiết phải đi theo con đường công nghệ. Các kỹ năng này tạo lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Tôi muốn kết nối những người Việt giỏi ở khắp nơi trên thế giới, những chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau, với cùng một lý tưởng muốn giúp phát triển thế hệ trẻ Việt Nam.

Muốn phát triển phải có khát vọng mạnh mẽ    

Ông Nguyễn Trung Dũng, Sáng lập Dh Foods

Hơn 30 năm ở nước ngoài, tôi thường xuyên chứng kiến hình ảnh hàng Thái Lan, Nhật Bản phủ đầy trên các kệ siêu thị. Tôi khao khát một ngày nào đó, hàng Việt Nam cũng có được vị trí như vậy. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp, trong đó có Công ty tôi, vẫn nỗ lực cải tiến sản phẩm và cả quy trình sản xuất mỗi ngày.

Cơ hội kinh doanh ở Việt Nam hiện đang rất cởi mở. Mỗi doanh nghiệp cần cố gắng tạo ra sản phẩm, dịch vụ trung thực nhất có thể. Vì trong kinh doanh về lâu dài hai yếu tố này là quan trọng nhất. Tôi nghĩ, khi mọi người dân, doanh nghiệp làm việc trung thực và chăm chỉ, Việt Nam sẽ thành quốc gia phát triển cường thịnh năm 2045.

Thế hệ trước và thế hệ tôi được trải qua thời kỳ chiến tranh, được đi học nước ngoài là may mắn hơn các bạn trong nước. Thế hệ trẻ giờ đây được tự do đi học ở nhiều nước hơn, tự do chọn ngành, chọn nghề. Tôi nghĩ các bạn nên chọn ngành mà thực sự mình thích, mình giỏi và cố gắng học tốt nhất có thể, để sau này có thể làm công việc mà các bạn thực sự muốn và làm giỏi.

Còn sau khi ra trường, cho dù có làm thuê hay khởi nghiệp, cũng nên cố gắng làm trung thực và chăm chỉ, đừng vội vàng. Hãy cố gắng làm tốt nhất công việc hàng ngày của mình.

Thực tế, nếu muốn phát triển sự nghiệp trong một lĩnh vực chưa biết, phải có khát vọng mạnh mẽ. Không bao giờ từ bỏ cho đến khi bạn đạt được thành công, từng bước tiến lên, nghiên cứu và đổi mới từng ngày, tích lũy hết lần này đến lần khác. Có như vậy, các bạn mới nuôi dưỡng thành công khát vọng và chắc chắn sẽ đạt được kết quả đáng kinh ngạc trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác