Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn TTCK tuần 14 - 18/8: Không “tham” mua đuổi, chờ nhịp chỉnh để “vào hàng”
Trương Thạch - 13/08/2023 14:03
Tín hiệu kỹ thuật không còn quá quan trọng, nhà đầu tư tiếp tục nương theo dòng tiền lớn từ nhà đầu tư cá nhân. Không mua đuổi những phiên tăng điểm, nên chờ nhịp chỉnh của thị trường để hành động

Vinfast chuẩn bị giao dịch trên NASDAQ, VN-Index quay xe thành công

Sau khi kiểm định ngưỡng tâm lý 1.200 điểm thành công ở tuần trước, VN-Index tiếp tục có một tuần “nổi loạn” với nhiều phiên giao dịch cực kỳ biến động. Đã có hơn 4,95 tỷ cổ phiếu được sang tay theo hình thức khớp lệnh, trung bình mỗi phiên giá trị giao dịch khớp lệnh đạt khoảng 20.600 tỷ đồng.

Tiếp đà hưng phấn của tuần trước, phiên giao dịch đầu tuần đã ngay lập tức “mở gap” và đóng cửa ngày ở mốc 1.241 điểm. Tuy nhiên, dấu hiệu chốt lời, thoát hàng đã xuất hiện khi ngay trong phiên “mở gap” đầu tuần thì khối ngoại và tự doanh ngay lập tức bán ròng với giá trị lần lượt là 394,32 tỷ đồng và 185,38 tỷ đồng.

Tiếp theo là những phiên giao dịch biến động khi lực chốt lời mạnh mẽ khiến VN-Index dần quay về “lấp gap” mở ra từ đầu tuần. Tuy nhiên, phiên giao dịch cuối tuần với lực cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân đã giúp cho VN-Index “quay xe”, với một cây nến rút chân, tăng 11,6 điểm. Kết tuần, VN-Index đóng cửa ở ngưỡng 1.232,21 điểm, giữ vững xu hướng tăng ngắn hạn. 

Đóng góp lớn nhất vào lực đỡ của thị trường trong tuần là VIC với 5 phiên tăng điểm liên tiếp, mức tăng 15% sau thông tin thương vụ SPAC của Vinfast. Cụ thể, Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) đã thông qua kế hoạch hợp nhất kinh doanh tại Đại hội cổ đông đặc biệt diễn ra vào ngày 10/8. Kết quả bỏ phiếu chính thức sẽ được bổ sung trong Báo cáo theo Mẫu 8-K, do Black Spade nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ. Giao dịch hợp nhất dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 14/8. Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền hãng xe điện tại Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq vào  ngày 15/8, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.

Nguồn: FiinPro


Trong tuần giao dịch đầy biến động của VN-Index, khối ngoại đã có 1 tuần bán ròng với giá trị lên tới hơn 692 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được khối ngoại bán ra nhiều nhất trong tuần là SSI, GMD, VRE, VHM và VPB.

Nguồn: FiinPro


Tự doanh cũng có một tuần bán ròng với giá trị lên tới hơn 1.032 tỷ đồng. Top các cổ phiếu bị tự doanh bán ra nhiều nhất là VPB, STB, GMD, ACB và SGN.

Mỹ, Trung Quốc công bố CPI: Hai thái cực đối lập

Ngày 10/8, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn con số 3,3% được dự báo. So với tháng trước, CPI tháng 7 tăng cao hơn 0,2%. 

Trong khi đó CPI lõi (loại bỏ những mặt hàng dễ biến động giá như năng lượng và lương thực) tăng 0,2% so với tháng trước, phù hợp với dự đoán trước đó của nhiều nhà phân tích. So với một năm trước, CPI lõi tăng 4,7%, là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021 và cũng thấp hơn so với ước tính đồng thuận của các chuyên gia kinh tế. Mặc dù CPI tăng trở lại nhưng điểm mấu chốt phát đi tín hiệu tích cực là việc CPI lõi đã giảm. Phản ứng trước thông tin này, theo công cụ CME Watch Tools, đa số các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rằng Fed sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp định kỳ sắp tới.

Nguồn: CME Watch Tool


Trái ngược với tình hình dần khá lên ở Mỹ, chỉ số CPI của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm đầu tiên trong hơn 2 năm khi giảm 0,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số PPI tháng thứ 10 liên tiếp khi giảm 4,4% trong tháng 7. Như vậy, nền kinh tế lớn số 2 thế giới đã chính thức rơi vào giảm phát. 

Nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở Trung Quốc kết hợp với sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản cũng như xuất khẩu giảm nhanh chóng đang thúc đẩy các nhà sản xuất giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Điều đó góp phần thúc đẩy các thị trường lớn như Mỹ, Anh và EU nhanh chóng đạt được mục tiêu lạm phát của mình trong công cuộc điều hành chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, khi Trung Quốc rơi vào giảm phát, các quốc gia xuất siêu trong đó có Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn trên thị trường thương mại quốc tế. Tổng cầu thế giới đã yếu đi từ cuối năm 2022 khiến xuất khẩu Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, khi Trung Quốc giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho thì hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới vốn dĩ đã “khó bán” nay phải tiếp tục cạnh tranh về giá khiến khó khăn thêm chồng chất khó khăn. 

Đây mới chỉ là lần thứ tư trong thế kỷ này, Trung Quốc báo cáo tình trạng giảm phát. Trung Quốc đã phản ứng với các giai đoạn giảm phát trước đó vào năm 2009, 2015 và 2020 bằng việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và kích thích tài chính lớn.

Giảm phát có thể làm chậm nền kinh tế Trung Quốc do giá giảm khiến người tiêu dùng trì hoãn việc chi tiêu. Đối với các công ty, giá giảm có thể làm giảm đầu tư, thu hẹp biên lợi nhuận, và nếu kéo dài có thể sẽ đẩy doanh nghiệp vào con đường cắt giảm sản xuất. Theo lý thuyết của Irving Fisher, giảm phát sẽ làm tăng chi phí nợ so với thu nhập, giá hàng hóa giảm, đồng nội tệ tăng giá khiến cho giá trị các khoản vay sẽ tăng lên. Hiện tượng này được gọi là “giảm phát nợ”.

WB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam

Ngày 10/8, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản cập nhật kinh tế mới nhất có tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”. WB nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay và chung cho cả năm có thể không đạt được như mục tiêu đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,72% trong nửa đầu năm 2023. Môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước suy yếu đang làm cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Vì vậy, WB đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4,7% trong năm nay, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo WB, ngoài mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn trong 2023 thì để đạt được những kết quả tăng trưởng trong dài hạn như đã đề cập, đầu tư công của Việt Nam cần phải hiệu quả hơn nữa để đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng. Đồng tính với quan điểm đó, chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS nhấn mạnh để đầu tư công của Việt Nam đạt được những chỉ tiêu đề ra ở mức cao, hỏi chính sách tài khóa của phải chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các rào cản về chính sách đối với quá trình triển khai đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng. 

Theo báo số 8027/BTC-ĐT của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%. Mặc dù kết quả tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%), nhưng để đạt những mục tiêu đề ra từ đầu 2023 thì rõ ràng việc giải ngân đầu tư công của Việt Nam vẫn chưa có những bước đi “thần tốc” như kỳ vọng.

Lực cầu vẫn lớn, VN-Index khó có nhịp điều chỉnh sâu

Nguồn: FireAnt



Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, nhìn vào đồ thị VN-Index có thể thấy tín hiệu MACD đã cắt xuống tiếp tục cho tín hiệu đảo chiều ngắn hạn. Ngoài ra, VN-Index và chỉ báo MACD đã phát đi tín hiệu phân kỳ âm. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là dòng tiền, các nhà đầu tư nên quan sát lực mua của dòng tiền lớn. Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS đã nhận định vào tuần trước, VN-Index sẽ kiểm định mốc 1.200 điểm trong một thời gian và chỉ dấu quan trọng nhất lúc này cần quan sát là lực đỡ của dòng tiền lớn. Các tín hiệu phân tích kỹ thuật lúc này không còn quá quan trọng. 

Khi thị trường đã hơn 2 tháng tăng điểm liên tiếp thì lực bán chốt lời là điều chắc chắn phải xảy ra, nhưng khi lực cầu vẫn còn lớn thị thị trường vẫn chưa thể điều chỉnh ngay lập tức. Tuần qua, thanh khoản thị trường vẫn lớn, bất chấp 2 phiên giảm điểm mạnh, khối ngoại và tự doanh bán ròng thì các nhà đầu tư cá nhân vẫn “cân” thị trường với lực cầu rất mạnh xuất hiện vào phiên giao dịch chiều ngày 11/8. Điều này củng cố cho quan điểm VN-Index mặc dù tồn tại rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, nhưng với lực cầu vẫn lớn như hiện nay thì rất khó để có một pha giảm điểm sâu. 

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý cho những phiên điều chỉnh do lực bán chốt lời, đây là điều tất yếu sẽ xảy ra trong giai đoạn tăng của thị trường. Các nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn để rồi đưa ra những quyết định không chính xác. Với các cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận, nên chốt lời một phần để bảo vệ thành quả.

Không nên mua đuổi trong những phiên tăng và nên chờ những phiên điều chỉnh để “gom hàng”, và đặc biệt không nên FOMO trong “men say” lợi nhuận. Cũng cần lưu ý rằng, trong giai đoạn này các nhà đầu tư cũng không nên dùng tỷ trọng margin quá lớn, nên duy trì tỷ lệ ký quỹ an toàn trong giai đoạn này để tránh những phiên giảm điểm dẫn tới việc bị bán giải chấp và dự phòng sẵn sức mua trong những phiên thị trường điều chỉnh giảm để kịp thời “cover” lại “hàng”.

Tin liên quan
Tin khác