Trong tuần qua, thông tin quan trọng liên quan đến kỳ họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo đó, Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% và có các thông điệp tích cực về việc có thể sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất năm 2024.
Về lạm phát, Fed cũng thận thấy có sự hạ nhiệt đáng kể và dự báo lạm phát trong năm 2024 cũng hạ từ mức 2,6% xuống 2,4%. Những dự báo này cũng thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về những đợt cắt giảm lãi suất trong năm sau. Theo khảo sát của CME, thị trường kỳ vọng lãi suất có thể giảm từ 125 - 150 điểm cơ bản và đợt giảm lãi suất đầu tiên có thể xuất hiện vào kỳ họp tháng 3/2024 khi có 75% tỷ lệ đặt cược cho xác suất này.
Phản ứng của thị trường tài chính cũng ủng hộ cho thị trường cổ phiếu, lợi suất trái phiếu Mỹ về mức 4% sau khi thiết lập vùng đỉnh cao nhất trong vòng 16 năm qua là 5% trong giai đoạn cuỗi tháng 10. Chỉ số Dow Jones trong tuần qua cũng thiết lập đỉnh lịch sử kéo theo hiệu ứng tích cực của nhiều thị trường chứng khoán khác.
Do đó, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang ở trong môi trường có thể thoải mái hơn trong việc giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp, đồng thời cũng còn dư địa để thực hiện 1 đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo vào năm 2024, dù rằng vẫn ưu tiên tính thời điểm để phù hợp với đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong năm sau, đồng thời áp lực tỷ giá cũng hạ nhiệt.
Nhìn chung, đây là tin đáng mừng của nền kinh tế và là góc nhìn tích cực của TTCK năm 2024.
Ở trong nước, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đón nhận nhiều sự thay đổi pháp lý theo hướng ủng hộ cho sự hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm sau.
Tuần qua, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi Nghị định 24/2016/NĐ-Cp quy định về quản lý Kho bạc Nhà nước, nhằm kết hợp với các khung pháp lý khác đã được ban hành trước đó như Luật Quản lý nợ công 2017.
Trong sửa đổi lần này, có nhiều điều khoản linh hoạt hơn đã được đưa ra để giải quyết các khoản tiền dư thừa trong Kho bạc Nhà nước. Trước đó, cơ quan này công bố lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng đang là 960.000 tỷ đồng, hàm ý rằng chính sách tài khoá mở rộng cho những năm tới vẫn còn nguyên vẹn.
Có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, được phép sử dụng thặng dư ngân sách để ứng trước hoặc cho ngân sách trung ương hoặc địa phương vay không lãi suất. Cụ thể, nếu cho vay thì không quá 12 tháng còn tạm ứng thì phải hoàn trả trong năm tài chính hiện tại.
Thứ hai, trong đề xuất mới, số dư ngân quỹ khả dụng sẽ được ưu tiên sử dụng cho giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ hay hợp đồng repo, thay vì ưu tiên hầu hết cho việc gửi tại các ngân hàng thương mại. Kênh mua bán lại này được kích hoạt từ năm 2017, nhưng khối lượng khá khiêm tốn với 7.000 tỷ đồng do kỳ hạn không quá linh hoạt. Nếu hoạt động hiệu quả thì kênh giao dịch mua bán lại này có thể hoạt động như một nguồn cung cấp thanh khoản tạm thời hiệu quả cho hệ thống ngân hàng. Mặt khác, nghị định cũng giới hạn tiền gửi tại ngân hàng thương mại là 50% số tiền khả dụng.
Thứ ba, dự thảo đưa ra cơ chế rõ ràng trong trường hợp ngân sách nhà nước có nhu cầu ngoại tệ, trong đưa ra tuỳ chọn ưu tiên mua laị ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại và dự trữ ngoại hối.
Những sửa đổi này đều theo hướng linh hoạt hơn, nhằm khai thác tốt nguồn lực từ số dư ngân quỹ khả dụng tại nền kinh tế hiện tại.
Một tâm điểm khác là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức cuộc họp thảo luận về 5 nội dung sửa đổi pháp lý cho năm 2024. Trọng tâm chính là cuộc họp Quốc hội bất thường có thể diễn ra vào giữa tháng 1/2024, với mong muốn thông qua 2 dự thảo luật sửa đổi quan trọng là Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.
Trên thị trường chứng khoán, tâm điểm của giới đầu tư là chuỗi bán ròng liên tiếp của dòng tiền khối ngoại. Tính từ đầu năm 2023, dòng vốn quan trọng này đã bán ròng hơn 19.000 tỷ đồng, đảo chiều từ tháng 4 đến nay. Từ đầu tháng 12/2023, khối ngoại đã tiếp tục đẩy mạnh bán ròng với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng. Vào phiên ngày 15/12 là phiên bán ròng thứ 13 liên tiếp. Những diễn biến này phần nào cũng tạo ra lo ngại với các nhóm nhà đầu tư khác trên thị trường và cũng góp phần tạo điều chỉnh cho cả điểm số và thanh khoản trong tuần qua.
Tuy nhiên, nếu nhìn bức tranh rộng hơn, diễn biến này đang là xu hướng chung của dòng tiền đầu tư toàn cầu đối với thị trường mới nổi, cận biên. Những số liệu kinh tế của Mỹ đang theo hướng hạ cánh mềm, cộng với thông điệp mềm mỏng hơn của các quan chức Fed trong kỳ họp vừa qua là tích cực cho trung và dài hạn của hầu hết các TTCK. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, dòng tiền có xu hướng vào mạnh thị trường Mỹ nhờ những dấu hiệu này và có ảnh hưởng trái chiều với các thị trường khác. Dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu của thị trường mới nổi bị rút ròng tháng thứ 2 liên tiếp với quy mô giảm 1,7 tỷ USD trong tháng 11.
Trong xu hướng ảm đạm có một cực hút tiền khác là Ấn Độ, khi liên tiếp hút dòng vốn đầu tư toàn cầu và là tháng thứ 10 liên tiếp.
Nhìn chung, xu hướng dòng tiền có tính chu kỳ cao, dù tập trung tại Mỹ vào thời điểm đầu của đảo chiều chính sách tiền tệ và ảnh hưởng trái chiều lên các thị trường khác. Nhưng về trung hạn, khi môi trường đầu tư dần thuận lợi hơn, SSI kỳ vọng dòng tiền đầu tư vào kênh cổ phiếu sẽ đồng thuận hơn và gia tăng vào các thị trương cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thị trường trải qua tuần giao dịch có diễn biến kém tích cực dưới áp lực bán ròng mạnh liên tiếp của khối ngoại với động thái giao dịch được cho là từ các nhà đầu tư Thái Lan, khi quốc gia này sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài, áp dụng vào đầu năm 2024.
VN-Index đóng cửa ở vùng 1.102 điểm, giảm 20 điểm so với đầu tuần xoá bỏ đà tăng tuần trước đó. Đà giảm chủ yếu đến từ 3 phiên giảm điểm cuối tuần. Trong tuần thanh khoản trên HoSE đạt 77.512,71 tỷ đồng, giảm 25,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 27,6%. Thể hiện thị trường phân hóa, nhiều mã vẫn tích lũy, hồi phục tốt trước áp lực bán.
Nhóm cố phiếu vốn hóa lớn trong VN30 sau tuần phục hồi tốt đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh trở lại dưới áp lực bán của khối ngoại, thanh khoản trên mức trung bình như MSN (-4,83%), BCM (-4,62%), VPB (-4,59%), MWG (-4,34%), SAB (-4,27%), STB (-3,90%)..., ngoài các mã vẫn duy trì xu hướng tích cực với FPT (+2,12%), VIC (+1,75%), ACB (+1,56%), HDB (+1,11%)...
Dù thị trường giảm điểm trong phiên cuối tuần nhưng những tín hiệu đầu tiên từ các cổ phiếu có tính dẫn dắt cao như nhóm chứng khoán, bất động sản, dù chưa quá quyết liệt. Theo chiều giảm điểm của thị trường thì rủi ro sẽ gia tăng và việc quản trị rủi ro cũng đưa lên hàng đầu. Những tín hiệu hồi phục này từ nhóm cổ phiếu chủ chốt cũng đem lại kỳ vọng tích cực hơn cho những phiên cuả tuần sau.
Tuần sau là tuần đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12, những kỳ đáo hạn phái sinh gần nhất, thị trường ảm đạm cả về thanh khoản lẫn điểm số. Đây có thể là yếu tố ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư cá nhân.
Rủi ro gia tăng theo chiều giảm điểm rõ ràng chiến lược đầu tư tuần tới cũng cần theo hướng cẩn trọng hơn. Nhưng nhìn chung, thị trường vẫn đang vận động đi ngang trước khi phá vỡ những ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ thì kịch bản này vẫn có thể được tiếp diễn trong thời gian tới.
Dù sao thì cả kịch bản yếu dần đi về xu hướng ngắn hạn hay đi ngang với biên độ thấp đều là những môi trường không thuận lợi cho các vị thế ngắn hạn, vẫn nên quan sát 2 nhóm tín hiệu quan trọng là thanh khoản thị trường và sự dẫn dắt từ các cổ phiếu chủ chốt để thay đổi chiến lược nói trên theo chiều tích cực hơn.
Do vậy, cân bằng về tỷ trọng danh mục cũng như trading chậm lại vẫn là ý tưởng chính cho chiến lược đầu tư tuần sau.
Nếu chọn ra những tín hiệu tích cực để thay đổi chiến lược này theo hướng tích cực hơn thì nhà đầu tư nên quan sát vận động thanh khoản thị trường, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân, cũng như sự dẫn dắt thị trường của những nhóm cổ phiếu chủ chốt. Tất nhiên, với góc nhìn tích cực về trung và dài hạn, đây vẫn là thời điểm thích hợp cho hoạt động tích luỹ cổ phiếu ở vùng giá thấp, đặc biệt là các cổ phiếu có triển vọng tích cực và tươi sáng năm 2024.
Tựu chung, thị trường trong ngắn hạn đang trong nhịp điều chỉnh trong nền tích lũy và vẫn có kỳ vọng phục hồi và hướng tới cản ngắn han 1.150 điểm, nếu VN-Index tăng điểm trở lại và test hỗ trợ 1.100 điểm thành công. Nhà đầu tư ngắn hạn trong trường hợp này vẫn có thể giải ngân với tỷ trọng thấp bởi nhịp hồi phục nếu có diễn ra cũng sẽ khó dự báo và có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.