Nguyễn Ánh 9 vốn người Nam Trung Bộ, miền đất của nắng và gió, quê hương ông là biển xanh muối mặn, là men là muối ướp đượm cho đời! Sinh trưởng trong một gia đình bề thế có truyền thống lấy đạo lý làm nền tảng gốc rễ cũng là những định hướng đời sống tinh thần cho con cái. Ước nguyện đến với âm nhạc đã giúp ông vượt qua mọi trắc ẩn, hệ lụy miệt mài tu nghiệp khổ luyện học hành trên từng dấu thăng trầm thể hiện trên phím đàn…
Ông đã thành đạt trong sự nghiệp một nhạc công uyển chuyển vững vàng, từ phím đàn dương cầm như những hạt giống gieo sâu trong tâm hồn ông cảm xúc! Một vốn sống phong phú là cơ duyên đưa ông đến sự nghiệp viết nhạc, ông viết không nhiều. Từ nội tâm nhịp sống của người nặng lòng đam mê! Một đời phiêu lãng “lang thang” góp nhặt cát đá mảnh vụn buồn vui trên từng ngọn cỏ lá cây để nhân giới hướng đến nhiên giới giao hòa đất trời hữu hình và vô hình qua từng nhạc phẩm.
Ông viết không nhiều bởi lẽ không muốn dễ rãi với âm nhạc, nếu không muốn nói là có sự khắt khe cho những tác khúc của mình. Cái chính yếu để mỗi nhạc phẩm được ông viết lên đã nhanh chóng có vị thế trong làng nhạc, ở mãi trong lòng người nghe làm hành trang đời sống tinh thần. Vào thập kỷ 70, nhạc Nguyễn Ánh 9 đã nhanh chóng nở rộ và lan tỏa đi vào lòng công chúng đón nhận ông như một hiện tượng âm nhạc. Ái mộ ông qua nhiều nhạc phẩm:
"Một đời giăng mắc sớm trưa,
Trời xanh ban nắng mà mưa trong lòng
Hãy nói giùm tôi một cuộc tình đã chết trong bóng chiều mưa se lạnh mà mến nhớ!"
(Tình khúc chiều mưa).
Không hay có?! Để rồi có cũng như không một tiếng không khô khan đơn độc tưởng như phũ phàng bươn trải giữa dòng đời! Âu cũng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nhạc phẩm “Không” âm hưởng nhạc phẩm này đã lan tỏa đến tận miền xa xứ lạ! Âm nhạc đã là nhịp cầu không biên giới mà có trong nhau một đắng cay, se xắt nỗi niềm chẳng của riêng ai!
Một nghệ sĩ đến từ Nhật Bản đã không hay biết bấy lâu đã từng trình diễn nhạc phẩm “Không” của Nguyễn Ánh 9… khi nhà xuất bản âm nhạc và nghệ sĩ Nhật qua Việt Nam… bày tỏ lời xin lỗi, lòng biết ơn và muốn được trả tiền tác giả. Nở nụ cười hiền hòa đôn hậu, ông nói: “Tôi xin vui nhận lời xin lỗi và cảm ơn của các bạn. Còn về tiền bạc có quý thật nhưng tôi không nhận” (chia ban có phước hơn lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc tìm lại bản thân).
“Buồn ơi ta xin chào mi” ai đời gọi tên em buồn! Về với ta, hãy đến với ta. Chỉ từ trong nỗi buồn mới cảm nhận được niềm vui một mai lan tỏa...
“Cô đơn” người bạn không mời mà đến... Cô đơn gõ cửa trẻ thơ khi mẹ vắng nhà, cô đơn khi người tình đã bỏ ta đi! Cô đơn trong tà dương khuất bóng phận người... Từ dòng chảy của nhạc sĩ Ánh 9 thấm đậm hồn ta một nỗi buồn man mác! Buồn mà không rã rời, buồn mà không vong thân thất vọng. Buồn trong ca từ giai điệu của Nguyễn Ánh 9 luôn ánh lên sự lãng mạn hy vọng vươn tới đỉnh thương yêu!
Nhạc Nguyễn Ánh 9 mang phong cách cổ điển, chính thống phảng phất âm hưởng của Aria gần gũi với mọi lứa tuổi trong cảm nhận.
Được hỏi một đời sống và sự nghiệp ông có niềm vui nỗi niềm nào đáng nhớ nhất? Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tâm sự: ”Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tôi tôi luôn ấp ủ mơ ước mong một ngày ra thăm Hà Nội để thấy Tháp Rùa, đi trên từng phố cổ của Thủ đô ngàn năm văn hiến mà trước đó tôi chỉ được biết trong sử sách văn chương.
”Cầu được ước thấy”, dịp may đã cho tôi thực hiện ước mơ bấy lâu mong đợi. Năm 2002, trong một chuyến ra trình diễn ở Hà Nội cùng Ánh Tuyết và các nghệ sĩ Sài Gòn, trong đêm diễn, tôi đệm đàn cho Ánh Tuyết hát xong, một người đàn bà đã đứng tuổi ôm bó hoa lên sân khấu. Tôi ngỡ bà tặng hoa Ánh Tuyết, thật bất ngờ bà đến bên tôi tặng hoa và nói ”Tôi là vợ của nhạc sĩ Văn Cao”. Tôi ngỡ ngàng xúc động trào dâng nước mắt! Một niềm vui tuy chưa trọn mong muốn của tôi được gặp Văn Cao và Đoàn Chuẩn giờ thì 2 tiền nhân đã ra đi... Tôi may mắn còn được gặp bà Văn Cao - một an ủi với tôi. Được đệm đàn cho các ca sĩ hát và tự trình diễn tiếng đàn dương cầm của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội là niềm vui hạnh phúc trong tôi một đời tâm nguyện!
Ông đã say sưa gửi gắm hóa thân vào phím đàn dương cầm trong bầu khí đầm ấm chan chứa tình người! Một Hà Nội thắp sáng, một Hà Nội thức dậy trong tôi niềm tin yêu! Một Hà Nội tiếp sức giúp tôi vững vàng tiếp bước trên con đường nghệ thuật mà tưởng như đã cạn nguồn!
Cho tới lúc này đây, ta gặp một Nguyễn Ánh 9 hình hài hao gầy với thời gian năm tháng và một Nguyễn Ánh 9 nghệ sĩ không biết mệt mỏi, đam mê say sưa trên cung đàn.
Soi gương đã thấy mình già
Soi đời còn thấy mình là mùa xuân
Những hạt giống qua tiếng đàn gieo vào lòng người như mối dây mở rộng vòng tay kết nối với tha nhân!
Tâm bút thực hiện bài viết này, tôi không chủ đích vinh danh xưng tụng một cá nhân, một tên tuổi. Mà bằng lời chứng về một nghệ sĩ, nhạc sĩ đức độ tài năng. Trong tâm tình biết ơn sâu sắc và tôi muốn được học ở ông một gương mạo qua đời sống thật sự đơn sơ, sống thẳng sống thật và sống hết mình vì nghệ thuật. Trân trọng và quý mến về con người có đức tính khiêm nhường, giàu lòng bác ái làm lẽ sống trong đời.
Đam mê thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong tác phẩm hồn nhiên như gió thổi, hiền hòa như nước chảy được tái hiện qua hai đêm trình diễn 16-17/5 vừa qua tại khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, một chương trình trọn vẹn đồng điệu, hòa quện mối tình cha và con giữa hai thế hệ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - nghệ sĩ Nguyễn Quang (con trai ông) thành đạt trong sự nghiệp, trong hạnh phúc gia đình.
Cảm nhận là của chúng ta! Qua đêm nhạc Nguyễn Ánh 9, sự hấp dẫn lôi cuốn đã chạm đến ngưỡng trong lòng mỗi chúng ta người nghe một cảm xúc sâu xa mà lắng đọng nhừng gì về ”bóng ngày qua” cùng những giọt nước mắt của tác giả đẹp mãi trong Kỷ Niệm…