| ||
Gói 50.000 tỷ mới dừng lại ở góc độ bàn thảo, tìm giải pháp cho thị trường bất động sản (Ảnh: Internet) |
Tại buổi họp báo do VNCB tổ chức chiều 25/3, trong lúc giới truyền thông chờ đợi một thông điệp rõ ràng từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc có hay không một gói tín dụng mới cho thị trường bất động sản sau thất bại của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) có mặt tại sự kiện chỉ thông báo rằng, Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội nghị của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức với tư cách khách mời, nhằm tìm kiếm mô hình tạo lập thị trường bất động sản – xây dựng, sao cho triển khai hiệu quả và thành công.
Về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, ông Mạnh dẫn lại nguồn tin từ VNBC rằng, đã có 50.000 tỷ giữa các ngân hàng liên kết với nhau và có 7 ngân hàng cũng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước là 70.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Mạnh không cho biết, đây là 2 gói tín dụng khác nhau có tổng trị giá 120.000 tỷ đồng hay cùng nằm trong gói tín dụng liên kết giữa các ngân hàng với VNCB và nguồn gốc của các khoản tín dụng này đến từ đâu.
Về điều kiện vay vốn của gói 50.000 tỷ đồng (nếu có), đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn phải tuân thủ theo điều kiện bình thường. Đây là sản phẩm để quản lý dòng tiền, tạo niềm tin thị trường mà thôi.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng mà VNCB tổ chức giới thiệu chiều nay, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB lại dẫn lại nguồn tin từ phía Ngân hàng Nhà nước rằng, hiện đã có các ngân hàng đăng ký với Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) như là VNCB, Agribank, BIDV. Ngoài ra VNBC đang đàm phán mời các ngân hàng khác tham gia như ACB, Sacombank, LienVietPostBank, OceanBank, MB, Maritimebank, VPBank....
Trước đó, trên một số trang tin, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho biết, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà, xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng chuyên nghiệp, nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ…
Theo ông Mai, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay để giải quyết khó khăn về vốn, nhất là trong bối cảnh thị trường ngành xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn như khó tiếp cận nguồn vốn vay cho dù lãi suất cho vay giảm… thì việc khơi thông để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho nhiều loại vật liệu xây dựng vẫn còn là thách thức lớn.
Vì vậy, việc tìm giải pháp để rót 50.000 tỷ đồng vốn tín dụng vào thị trường này để khơi thông ách tắc về vốn trong bối cảnh hiện nay là điều hết sức quan trọng. VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - đất động sản.
Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất trên cả nước.
Quang Hưng