Thời sự
Gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao: Đã cho vay hơn 66.000 tỷ đồng
Hồng Phúc - 27/12/2020 14:10
Trong gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, luỹ kế cho vay đến nay đạt khoảng 66.560 tỷ đồng.

Số liệu này vừa được đề cập trong Báo cáo Tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/03/2017, Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại Nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng (trước đó là 60.000 tỷ đồng), từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-1,5%. 

Nghĩa là, đây không phải là gói tái cấp vốn từ ngân sách Nhà nước mà từ các ngân hàng thương mại.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong gói tín dụng này, doanh số cho vay lũy kế đã đạt 66.560 tỷ đồng cùng dư nợ khoảng 27.500 tỷ đồng (hơn 13.400 khách hàng còn dư nợ).

Hiện, cả nước có 53 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (26 doanh nghiệp do Bộ Nông nghiệp công nhận), tăng 11 doanh nghiệp so với năm 2019.

Ngoài ra, trong tổng số hơn 17.000 hợp tác xã nông nghiệp chỉ có khoảng 1.700 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển đặt mục tiêu trong năm 2021, sẽ có thêm được kỳ vọng tăng thêm 728 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số lên 2.500. 

Vườn ươm giống của Vinaseed- công ty con Pan Farm (Ảnh: Pan Farm).

Phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục được khuyến khích trong năm 2021. 

Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Trong năm 2020, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công và đi vào hoạt động (tăng 04 dự án về số lượng và khoảng 6.000 tỷ đồng về vốn đầu tư so với năm 2019).

Cùng với đó, ngoài đề xuất tái cấu trúc Chương trình sản phẩm quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đối với lúa gạo, nấm, cà phê, cá da trơn và tôm nước lợ, Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục ủng hộ hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ. 

Coi đây là tiền đề phát triển sản xuất quy mô lớn, thay thế vai trò sản xuất nông hộ nhỏ lẻ. 

Dự kiến năm 2021 cả nước có 42.000 trang trại thay vì ở mức hơn 34.000 trang trại, sử dụng gần 36.000 hecta đất như hiện nay. 

Nhìn lại kết quả năm 2020, quá trình phát triển ngành nông nghiệp được đánh giá còn tồn tại nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc (nhiều năm thấp hơn mục tiêu 3,5 - 4% như Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đề ra, năm 2020 tăng 2,65%),…

Thêm vào đó, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu chưa đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh hay tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa trở thành phổ biến. 

Cả nước vẫn chưa đạt mục tiêu có 15 nghìn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (hiện số hợp tác xã hoạt động được đánh giá là hiệu quả mới đạt khoảng 85% trong tổng 17.300 hợp tác xã nông nghiệp).

Đặc biệt, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị.

Theo đó, thu nhập của nông dân chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước, chênh lệch thu nhập giữa các hộ nông thôn có xu hướng gia tăng. 

Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần ở các thành thị, có nơi trên 30%, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. 

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân chiếm 5,1% số hộ thoát nghèo,…

Hiện có hơn 13.200 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động trên cả nước, tăng hơn 1 nghìn doanh nghiệp so với thời điểm cuối năm 2019. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong năm nay ước đạt 41,2 tỷ USD (tăng 2,6% so với năm 2019).

Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,5 tỷ USD, giảm 0,8%; thuỷ sản khoảng 8,4 tỷ USD, giảm 0,9%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 13,1 tỷ USD, tăng 13,4%.

Có 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ (12,3 tỷ USD), tôm (hơn 3,7 tỷ USD), rau quả (gần 3,3 tỷ USD), hạt điều (3,2 tỷ USD) và gạo (3,07 tỷ USD). 

Tin liên quan
Tin khác