Viễn thông - Công nghệ
Gọi xe công nghệ gượng dậy sau “cơn bão”
Hữu Tuấn - 27/11/2021 10:04
Sau một năm thị trường gọi xe công nghệ thất bát vì dịch bệnh, những cái tên còn sống sót được kỳ vọng sẽ hồi sinh…
Dịch bệnh đã cho thấy, hãng gọi xe công nghệ nào chỉ sử dụng duy nhất tính năng chở khách sẽ lao đao, gục ngã.

Gượng dậy sau trọng thương

Cuối tuần trước, Gojek bắt đầu cung cấp GoCar Protect tại TP.HCM. GoCar ra mắt ở thời điểm thị trường gọi xe công nghệ u ám nhất trong 10 năm qua. Kể từ đầu năm ngoái, các hãng gọi xe công nghệ tại Việt Nam hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh. Căng nhất là từ tháng 7/2021 đến nay, họ phải tắt app ngừng hoạt động theo yêu cầu giãn cách xã hội.

Thị trường gọi xe công nghệ đã trọng thương. Ứng dụng gọi xe VATO của Tập đoàn Phương Trang sau khi công bố đầu tư 2.200 tỷ đồng để phát triển, đã biến mất khỏi thị trường. FastGo dường như cũng biến mất trên thị trường gần 2 năm nay, chỉ còn được nhắc tên trong các văn bản yêu cầu dừng dịch vụ của chính quyền.

Ngay cả ông lớn chiếm gần 75% thị phần tại Việt Nam là Grab cũng lao đao. Báo cáo mới nhất của Grab toàn cầu vào tuần trước cho thấy khoản lỗ ròng 988 triệu USD trong quý kết thúc vào tháng 9/2021. Grab cho biết, doanh thu hằng quý giảm 9%, xuống còn 157 triệu USD “do khả năng di chuyển giảm vì tình trạng giãn cách ở Việt Nam”; doanh thu từ kinh doanh dịch vụ đặt xe giảm 26%, xuống 88 triệu USD.

Hai thương hiệu trong Top 3 là Bee và Gojek hoạt động phập phù, co cụm, tập trung hỗ trợ chính quyền phòng chống dịch, hỗ trợ tài xế của mình.

Doanh thu giảm mạnh, chi phí phòng chống dịch tăng đã khiến các hãng gọi xe công nghệ tại Việt Nam kiệt quệ. Thị trường gọi xe công nghệ, đặc biệt là mảng vận chuyển hành khách ảm đạm chưa từng có. Chỉ có những ông lớn có tiềm lực tài chính mạnh như Grab, Gojek, Bee hay MyGo của Viettel cầm cự được để chờ ngày tái xuất.

Vì vậy, việc Gojek ra mắt GoCar đã thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng cho thị trường. Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam cho biết: “Đây là thời điểm tốt để chúng tôi ra mắt dịch vụ mới tại TP.HCM. Việc các dịch vụ vận tải hoạt động trở lại là dấu hiệu quan trọng cho thấy Thành phố dần dần hồi phục. Chúng tôi nhìn thấy nhu cầu di chuyển của người dân Thành phố rất cao”.

Cùng thời điểm này, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn và cho phép dịch vụ này hoạt động trong điều kiện dịch ở cấp độ 2, không quá 50% số xe. Sự kiện lạc quan này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho thị trường gọi xe công nghệ sau 2 năm vật lộn với khó khăn.

Tìm hướng phát triển khác biệt

Dịch bệnh đã cho thấy, hãng gọi xe công nghệ nào chỉ sử dụng duy nhất tính năng chở khách sẽ lao đao, gục ngã.

Trụ đỡ của Grab trong dịch bệnh khi mảng vận chuyển suy giảm đến từ mảng giao hàng khi doanh thu tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 49 triệu USD. Mảng dịch vụ tài chính của Grab đóng góp 14 triệu USD, tăng 11%. Tổng giá trị giao dịch của Grab tăng 32%, lên 4 tỷ USD trong quý III/2021 nhờ mở rộng hoạt động giao hàng và dịch vụ tài chính.

“Bất chấp việc phong tỏa nghiêm ngặt ở Việt Nam và các hạn chế gia tăng trên toàn khu vực trong quý III/2021 do dịch Covid-19, chúng tôi vẫn thực hiện tốt chiến lược siêu ứng dụng và mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ. Grab kỳ vọng mảng gọi xe phục hồi mạnh trong quý IV, đặc biệt tại Indonesia, Malaysia và Việt Nam, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao trong khu vực”, ông Anthony Tan, Giám đốc điều hành Grab cho biết.

Trong khi đó, Gojek vượt qua dịch bệnh nhờ GoFood. Khi một trong những “tam giác vàng” của Gojek là vận chuyển bị đình trệ, thanh toán điện tử chưa ổn định, thì mảng giao đồ ăn GoFood phát triển tốt. Hơn 1 triệu món ăn có thể được tìm thấy trên GoFood. GoFood đã đạt 200 triệu đơn hàng vào tháng 2/2020.

Ông Phùng Tuấn Đức cho biết, ngoài việc tài xế phải tiêm 2 mũi vắc-xin, thì xe GoCar Protect có vách ngăn trong suốt giữa ghế ngồi của tài xế với hành khách ở phía sau và được trang bị máy lọc không khí công nghệ Plasmacluster ion độc quyền của Sharp, có khả năng vô hiệu hóa virus lên tới hơn 90%. “Chúng tôi hy vọng, việc ưu tiên các tính năng về an toàn sức khoẻ sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới trong ngành vận tải nói chung và gọi xe công nghệ nói riêng”, ông Đức nói.

Khác với Grab và Gojek, Be xác định không cạnh tranh bằng siêu ứng dụng, mà chọn cách đi riêng. CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương cho biết, thay vì chạy theo cuộc đua siêu ứng dụng, Be đang xây dựng nền tảng mở, đặt mục tiêu là nhà cung cấp dịch vụ di động cho phép người dùng lập kế hoạch, thanh toán nhiều loại dịch vụ trên một nền tảng. Be cũng tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp vận tải khác trong nước để tăng sức mạnh...

Có thể thấy, thị trường gọi xe công nghệ đang có sự phân hóa rõ nét khi thị phần lớn đang tập trung vào tam trụ Grab, Gojek, Be. Nền tảng gọi xe thuần túy dường như đã biến mất, thay vào đó là các siêu ứng dụng với xương sống là thanh toán điện tử. Tới đây, các siêu ứng dụng này có thể sẽ mở rộng cung cấp rất nhiều dịch vụ số như thanh toán, bảo hiểm, du lịch, đặt phòng…

Sự xuất hiện của GoCar ở mảng vận chuyển xe 4 bánh được đánh giá như một chất xúc tác giúp thị trường có thêm sự cạnh tranh mới khi Be, FastGo, Mai Linh… ngày càng yếu đi trong sự lấn lướt của Grab. Hy vọng rằng, sự xuất hiện này sẽ khiến cho chất lượng cạnh tranh của thị trường sẽ được nâng chất, người dùng sẽ được hưởng lợi với chất lượng dịch vụ tốt hơn, giá cạnh tranh hơn.
Tin liên quan
Tin khác