Thời sự
Góp ý dự án Luật phí, lệ phí: Dịch vụ công cũng tính lợi nhuận?
Quang Hưng - 29/05/2015 11:58
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (29/5/2015), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật phí, lệ phí.

 

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn TP. Hà Nội)

Góp ý với dự thảo Luật phí, lệ phí, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn TP. Hà Nội) kiến nghị: Việc dự thảo Luật quy định mức thu phí xác định đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách của nhà nước trong từng thời điểm, cần phải xem xét lại.

“Phí, lệ phí này là nguồn thu của ngân sách nhà nước, phải nộp vào ngân sách nhà nước nhưng cơ quan nhà nước là cơ quan cung cấp dịch vụ công mà đòi hỏi có lợi nhuận phù hợp. Tôi không cho rằng, đơn vị nhà nước là 1 đơn vị kinh doanh. Ở đây phải xem xét lại điều 7 này về nguyên tắc xác định phí và lệ phí. Điều này áp dụng với cơ quan ngoài nhà nước cung cấp dịch vụ công có thể được chứ cơ quan nhà nước thì không được. Quy định như vậy còn gây ra tình trạng, cùng 1 dịch vụ như nhau nhưng mức phí sẽ khác nhau trong trường hợp đơn vị nhà nước thì nó có thể sẽ có giá khác và đơn vị ngoài nhà nước cũng cung cấp dịch vụ đó lại có giá khác.”, đại biểu Hường nói.

Về vấn đề này, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, với các dịch vụ nhà nước cung cấp cho người dân chỉ nên xác định mức thu phí bảo đảm bù đắp chi phí thôi, không tính đến lợi nhuận. Trong luật quy định có tính đến mức lợi nhuận phù hợp trong mỗi thời kỳ, tôi thấy cần phải xem xét lại.

Về nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí (Điều 8), đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, mức thu lệ phí trước bạ được xác định bằng tỷ lệ % trên giá trị tài sản là bất cập. “Vì cùng 1 việc cơ quan nhà nước phải làm là cùng đăng ký 1 chiếc xe ô tô 4 chỗ, 1 xe giá là 500 triệu đông, 1 xe giá là 2 tỷ đồng, cùng 1 công việc, bỏ ra sức lao động và thời gian như nhau nhưng chi phí lại khác nhau là bất hợp lý. Việc phân bổ, điều chỉnh thu nhập nên để bên thuế làm. Xe 500 triệu thuế suất bao nhiêu, 2 tỷ thuế suất bao nhiêu, chủ xe đã đóng rồi. Việc đăng ký trước bạ - là do nhà nước cung cấp dịch vụ công thì mức phí phải như nhau”, đại biểu Hà nói.

Trước đó, ngày 26/5/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật phí và lệ phí với nhiều thay đổi lớn trong danh mục phí, lệ phí hiện hành như: đưa ra khỏi Danh mục (gồm 18 khoản) như: phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phí giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu, phí xây dựng, phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O)... Các khoản phí cần bổ sung (gồm 15 khoản) như: phí công chứng, phí bay qua vùng trời... Thống nhất 1 mức thu với Lệ phí trước bạ ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy giữa các địa phương trong toàn quốc.

Một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như: Học phí; viện phí; phí kiểm định phương tiện đo lường;...); một số khoản phí có tên trong Danh mục nhưng chưa phát sinh; một số khoản phí trùng lắp với khoản thu khác, do đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Danh mục phí, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và trong những năm tới.

Tin liên quan
Tin khác