Trọn vẹn 30 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy và quản lý GDĐT, ông có đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng: “Chất lượng đào tạo hiện nay thậm chí còn không bằng những năm 1960-1970 của thế kỷ trước”?
Về tổng thể, nền GDĐT bây giờ hơn trước rất nhiều, do ngân sách đầu tư nhiều hơn; thu nhập của người dân cao hơn nên cũng đầu tư nhiều hơn; cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học từng bước hiện đại hóa; số lượng học sinh, sinh viên, cơ sở GDĐT gấp nhiều lần so với trước đây…
| ||
GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Tuy nhiên, khách quan mà đánh giá, chất lượng, hiệu quả GDĐT còn thấp so với yêu cầu của xã hội, nhất là cấp đại học, đào tạo nghề do nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động.
Trong bối cảnh chất lượng đào tạo còn thấp, ngành GDĐT vẫn đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất một trường đại học nằm trong Top 200 trường tốt nhất thế giới. Ông bình luận gì về mục tiêu này?
Hiện tại, trường đại học tốt nhất Việt Nam vẫn nằm ngoài Top 1.000, nên dù có cố gắng, phấn đấu, nỗ lực thì vào năm 2030, chúng ta cũng không hy vọng có trường đại học nằm trong Top 500, chứ chưa nói tới Top 200.
Muốn được thế giới công nhận chất lượng đào tạo nằm trong Top nào đó, cần phải có thời gian, có chiến lược đầu tư hợp lý.
Nhưng theo tôi, các trường đại học nằm ở Top nào không quan trọng, bởi việc đứng Top 100, thậm chí là Top 50 của thế giới không có nghĩa là nhân lực được đào tạo tại trường đại học đó chắc chắn phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế và đáp ứng được với đòi hỏi của xã hội.
GDĐT có trách nhiệm đáp ứng nguồn nhân lực làm việc có chất lượng, hiệu quả, năng suất cao cho nền kinh tế thị trường và phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan như Nghị quyết 29/NQ-TW đặt ra, chứ không phải vì cái danh Top này, Top nọ, huy chương nọ, giải thưởng kia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhận xét, chi phí đào tạo một sinh viên mỗi năm 20 triệu đồng, thì phải thu học phí tối thiểu 20 triệu đồng, nếu chỉ cho thu tối đa 5 - 10 triệu đồng như hiện nay thì khó có chất lượng đào tạo cao. Quan điểm của ông thế nào?
Quan điểm về xã hội hóa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoàn toàn đúng. Chỉ thay đổi cơ bản chính sách học phí thì mới có thể đào tạo được nguồn nhân lực trình độ cao.
Nhưng phải hiểu, xã hội hóa không phải là cơ sở đào tạo muốn thu bao nhiêu học phí thì thu, đẻ ra khoản thu nào cũng được, mà thu phải trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người học. Chỉ khi nào người học được bảo đảm lợi ích, được đào tạo với chất lượng tốt, thì họ mới chấp nhận mức học phí cao.
Xã hội hóa không phải là buông lỏng quản lý, mà cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt chẽ cơ sở hạ tầng, chất lượng đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy và học... Và xã hội - người sử dụng lao động là khâu cuối đánh giá xem cơ sở đào tạo nào thu học phí cao, cơ sở nào thu học phí thấp.
Có nghĩa là, ông ủng hộ lộ trình tăng học phí, nhưng mỗi khi tăng học phí lại bị xã hội phản ứng?
Xã hội phản ứng bởi hai lý do, thứ nhất học phí tăng trong khi chất lượng GDĐT không tăng; thứ hai, tư tưởng bao cấp vẫn còn nặng nề trong xã hội.
Cần phải tăng học phí, nhưng tăng theo lộ trình và phải phù hợp với khả năng đóng góp của người dân, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và phải tương xứng với chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để đến năm 2030, nền giáo dục của nước ta đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Mạnh Bôn