Thời của IoT
Đầu tháng 8/2015, Greenvity đã có buổi trình diễn ngoạn mục với giới đầu tư về công dụng của các sản phẩm mới này. Ngoài tính tiện dụng, lợi ích được kỳ vọng là sẽ giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và bảo đảm an ninh cho người sử dụng. “Việt Nam là thị trường rất tiềm năng vì nền tảng IoT chưa phổ biến”, ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Greenvity, công ty có trụ sở tại Thung lũng Sillicon (Milpitas, California, Hoa Kỳ) nhận xét.
Các thiết bị của Công ty cho phép người dùng điều khiển từ xa qua thiết bị di động, từ đèn LED hoặc khác LED, cho tới các thiết bị sử dụng cảm biến như máy điều hòa, máy sưởi… Tín hiệu được kết nối cùng lúc trên hai nền tảng gồm giao tiếp không dây (như Zigbee) và băng thông rộng (thông qua đường dây điện có sẵn). Nhờ vậy, khả năng kết nối được xa hơn và bao phủ rộng hơn, có thể xuyên qua nhiều lớp tường bê tông. Theo ông Hùng, đây là công nghệ mới đầu tiên trên thế giới, thiết bị được tích hợp chip độc quyền do công ty sáng chế.
Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Greenvity giới thiệu các thiết bị thông minh của Greenvity |
Thị trường Việt Nam tuy có nhiều thiết bị thông minh, nhưng nhà thông minh thì mới chỉ được Tập đoàn Công nghệ Bkav giới thiệu. Theo tập đoàn này, dùng Smarthome có thể điều khiển và kiểm soát ngôi nhà qua một giao diện trực quan 3D trên smartphone hay tablet. Sản phẩm gắn mác Việt Nam này sử dụng công nghệ truyền thông không dây Zigbee, chưa có kết nối qua băng thông rộng như Greenvity.
IoT được đầu tư và phát triển mạnh trên thế giới trong thời gian gần đây, Việt Nam được mong chờ sẽ sớm tiếp cận xu hướng này. Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital nhìn nhận: “Hệ thống an ninh và tòa nhà thông minh sẽ là làn sóng tiếp theo trên thị trường công nghệ thông tin ứng dụng tại Việt Nam. DFJ VinaCapital là cổ đông đầu tư vào Greenvity từ những ngày đầu thành lập.
IoT là khái niệm mới được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng từ những năm 2000. Nhưng đến năm 2014, thế giới mới nóng lên với các thương vụ chuyển nhượng công ty cung cấp thiết bị thông minh. Trong năm này, Google đã bỏ ra khoảng 3 tỷ USD để mua lại hãng cung cấp thiết bị gia dụng thông minh Nest. Sau đó, Tập đoàn Samsung cũng nối bước bằng thương vụ 200 triệu USD khi mua lại Công ty Smartthing, cung cấp các sản phẩm tương tự Nest. Những thương vụ này mở ra làn sóng đầu tư vào xu hướng IoT khắp thế giới.
Theo nghiên cứu của trang Businessinsider.com.au, đến năm 2019, các doanh nghiệp về IoT sẽ có giá trị lớn hơn cả các công ty về điện thoại thông minh và tablet cộng lại. Sau 5 năm nữa, sẽ có tổng cộng 23,3 tỷ thiết bị IoT, các thị trường mới nổi chiếm 40%, tức hơn 9 tỷ thiết bị. Tuy nhiên, các thiết bị phần cứng chỉ chiếm con số nhỏ, chủ yếu lợi nhuận đến từ phần mềm và dịch vụ bán hàng. Giá trị thị trường IoT đến năm 2019, theo trang web trên, sẽ đạt 255 tỷ USD, tăng mạnh từ mức 46 tỷ USD trong năm 2015, với mức tăng bình quân 40% mỗi năm.
Đặt cược vào Việt Nam
Greenvity được thành lập năm 2011 và có văn phòng đại diện tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan. Sản phẩm của Greenvity đã được bán ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil, Italia… Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Greenvity cho biết, bên cạnh việc bán sản phẩm thì công ty cũng sẽ hợp tác với đối tác tại Việt Nam để sản xuất hàng loạt.
Hiện tại, phần lớn sản phẩm của Greenvity được sản xuất ở Đài Loan. Nhưng nếu cơ hội tăng lên, công ty sẽ chuyển nhà máy về Việt Nam để tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ngoài bán sản phẩm hoàn thiện, Greenvity cũng tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt hợp tác, gia công hoặc sử dụng chip để ra mắt sản phẩm với thương hiệu riêng, hay cung cấp phần mềm quản lý thiết bị là những khoảng trống còn bỏ ngỏ. Hiện tại, ông Hùng cho biết, chưa làm việc với đối tác cụ thể nào.
Ngoài tiện ích giảm năng lượng tiêu thụ, kiểm soát an ninh ngôi nhà, ông Hùng cũng nhắc đến vai trò của IoT với nông nghiệp. Các thiết bị của công ty có thể giúp kiểm tra điều kiện trồng trọt (độ ẩm, nhiệt độ…) thông qua các cột thu tín hiệu. Đồng thời, điều khiển đèn cung cấp ánh sáng liên tục giúp cây trồng tăng trưởng nhanh, rất cần thiết với quốc gia đang phát triển nông nghiệp như Việt Nam. Tầm nhìn dài hạn này là một trong số các lý do khiến ông Hùng quyết tâm mang sản phẩm về Việt Nam.
Theo ước lượng của Greenvity, giá trị đầu tư một căn nhà thông minh tại Việt Nam, sử dụng thiết bị của hãng Le Grand (Pháp), sẽ vào khoảng 10.000 - 40.000 USD, trong khi đó, gói giải pháp của Greenvity chỉ tốn cỡ 1.000 - 2.000 USD.