Theo sử sách ghi lại, vào mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Từ đó lễ hội Tịch điền được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch Điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của đất nước và là nét đẹp văn hóa của người dân làng Đọi Sơn nói riêng và của tỉnh Hà Nam nói chung.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ hội Tịch điền năm 2017. |
Năm nay lễ hội này vẫn giữ nguyên các nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian như: đánh đu, vẽ trâu, đi cầu phao… và có thêm các gian hàng giới thiệu các sản vật của địa phương.
Lễ hội vẫn có các bước như rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam, sau đó đoàn rước tiến về khu ruộng mà năm 987 vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm khuyến khích người dân chăm lo nông nghiệp.
Trao Bằng ghi danh Lễ Tịch điền xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
Tiếp đến là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, người dân ấm no hạnh phúc. Sau đó là màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam và tiết mục múa rồng…
Một lão cao tuổi trong làng Đọi Sơn được chọn vào vai vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày. Vị cao niên này sẽ từ cổng bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và hạt thóc.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam trao Cờ và Bằng công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. |
Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Trong hàng nghìn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền của cả nước, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng được nhà nước ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao tinh thần trọng nông “Dĩ nông vi bản, Phi nông bất ổn”. Trong những ngày đầu xuân ấm áp tiếng trống khai hội rộn ràng thúc dục nông dân các địa phương bước vào vụ mới xuống đồng sản xuất nông nghiệp và mang về mùa vàng bội thu, lễ hội Tịch Điền còn là một hoạt động văn hóa du lịch quảng bá hình ảnh con người Hà Nam đổi mới phát triển để đồng bào trong nước, du khách quốc tế, kiều bào nước ngoài biết đến các sản phẩm kinh tế, văn hóa du lịch của Hà Nam góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Việc duy trì tổ chức lễ hội Tịch Điền của Hà Nam có ý nghĩa rất lớn, vừa thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vừa khuyến khích động viên nông dân phát triển nông nghiệp theo tinh thần nghị quyết TW VII khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lái máy cày những đường cày trong lễ Hội Tịch điền xã Đọi Sơn huyện Duy Tiên (Hà Nam). |
Từ khi Hà Nam phục dựng tổ chức lễ hội Tịch Điền cho đến nay năm nào nông dân cũng được mùa năm suất lúa bình quân hàng năm năm sau cao hơn năm trước. Các chương trình dự án, mô hình kinh tế được triển khai đem lại giá trị kinh tế cao, trên đồng ruộng Hà Nam và trên cả nước đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tập trung áp dụng mạnh cơ giới hóa, mô hình tích tụ ruộng đất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất và chế biến nông sản chất lượng cao, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại văn minh, 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới đời sống của nông dân được nâng nên rõ rệt, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy có hiệu quả.
Hòa cùng sắc xuân đất trời, khí thế của lòng người lễ hội được tổ chức cùng với sự tôn vinh di sản và công bố các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, mang đến một tinh thần mới, một nội lực mới báo hiệu những mùa xuân ấm no hạnh phúc, giàu đẹp trên quê hương Hà Nam.
Lão nông nhập vai vua Lê Đại Hành bắt đầu những luống cày đầu tiên. |
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị các cấp, các ngành, các đồng chí, đồng bào cả nước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch nước tin tưởng, mong muốn tỉnh Hà Nam và địa phương cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa, chế biến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân, xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp.
Trước đó để ghi nhận, giữ gìn và phát huy các giá trị to lớn của lễ hội Tịch điền, ngày 23/1/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ghi danh Lễ Tịch điền xã Đọi Sơn tỉnh Hà Nam là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhân dịp này tỉnh Hà Nam đã trao Cờ và Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và phần thưởng mỗi xã 500 triệu đồng để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng nông thôn.