Đến dự có Bí thư Tỉnh ủy Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông; Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh và đông đảo doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn Hà Nam.
Năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nam, hoạt động SXKD của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định và có bước tăng trưởng cao.
Tính đến 30/9/2015, toàn tỉnh có 3.637 doanh nghiệp được đăng ký thành lập và hoạt động. Môi trường đầu tư của tỉnh được đánh giá khá tốt, là một trong số các tỉnh đứng đầu về thu hút FDI. Toàn tỉnh có 525 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 153 dự án FDI và 372 dự án trong nước) với tổng số vốn đăng ký đạt trên 47.600 tỷ đồng và 1.354,2 triệu USD.
9 tháng đầu năm, thu hút 50 dự án đầu tư, trong đó có 27 dự án FDI, điều chỉnh tăng vốn cho 19 dự án trong nước và FDI. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,9% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất tăng 20,3% (cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng của các năm trước). Năm 2014, khối doanh nghiệp đóng góp 53,8% GDP toàn tỉnh; nộp ngân sách hơn 2.232 tỷ đồng, chiếm 72,7% tổng số thu ngân sách năm 2014.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp trên địa bàn 1.784 tỷ đồng, chiếm 73,4% tổng số thu ngân sách. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt gần 737 triệu USD, bằng 75,6% kế hoạch năm, tăng 29,8% so với cùng kỳ. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng KT – XH của tỉnh ở mức cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng Kỷ niệm chương cho 5 cá nhân |
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo thêm hàng chục ngàn chỗ làm việc mới, đóng góp vào ngân sách hơn 700 tỷ đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng NTM… với số tiền trên 30 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Hiệp định TTP, cần có sự nhận thức mới và chung tay hành động giữa các nhà làm chính sách của Trung ương, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về tiêu chuẩn hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ; Cần tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp hạng nhất, doanh nhân hạng nhất, sản phẩm hạng nhất. Đề nghị Chính phủ, các địa phương ban hành cơ chế, chính sách để xã hội hóa cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm nguồn cung ứng vốn, chia sẻ rủi ro với ngân hàng.
Bí thư tỉnh ủy Hà Nam, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các doanh nghiệp. Trong khi Hà Nam đang là tỉnh khó khăn, đội ngũ thực hiện yêu cầu cấp thiết để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không ai khác là doanh nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã có 10 cam kết với nhà đầu tư, thể hiện trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Hà Nam hướng tới xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn.
Nhân dịp này, 51 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc năm 2015, được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Hà Nam; 5 cá nhân đã được nhận kỷ niệm Chương, 20 doanh nghiệp và 10 doanh nhân nhận Bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng.