Những kết quả đã đạt được
Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2011, số doanh nghiệp Hà Nam đăng ký mới là 355 doanh nghiệp, năm 2012 là 299 doanh nghiệp và 9 tháng đầu năm 2013 là 207 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp lên 3.060 doanh nghiệp, đạt 80,4% so với kế hoạch đề ra đến năm 2015. Tổng số vốn của các doanh nghiệp đã đăng ký là 27.229 tỷ đồng, bình quân 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.
| ||
Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam |
Đến ngày 31/7/2013, toàn tỉnh có 368 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 86 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 31.339 tỷ đồng và 724 triệu USD.
Ngày càng xuất hiện các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao như: Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam, Công ty TNHH Dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty Honda Lock Việt Nam, Công ty Xi măng Xuân Thành, Nhà máy Sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu An Thành Phát, Công ty Eidai Việt Nam, Dream Plastic…
Vượt qua bao khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp Hà Nam đã góp phần đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, chiếm 50% GDP toàn tỉnh (trong đó, khu vực doanh nghiệp dân doanh khoảng 30%; doanh nghiệp nhà nước đóng góp trên 10% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 10%). Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm bình quân trên 20%; nộp ngân sách chiếm khoảng 70% tổng số thu ngân sách trên địa bàn; góp phần đạt mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân 3 năm 2011 - 2013 đạt 12,9%/năm; bình quân mỗi năm doanh nghiệp đã tạo việc làm mới cho trên 10.000 lao động.
Tổng mức vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Hà Nam trong những năm gần đây đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (luôn đạt trên 50% tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội), góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy phát triển cơ cấu ngành sản xuất - kinh doanh đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng.
Với trách nhiệm cao đối với cộng đồng, các doanh nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội như: xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, thực hiện an sinh xã hội, đi đầu trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó cũng đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ
Cùng với các văn bản của Trung ương, tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách trợ giúp doanh nghiệp như: Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 9/9/2009 về thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Chương trình hành động số 877/CTHĐ-UBND ngày 12/6/2012 của UBND tỉnh Hà Nam về thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động số 451a/QĐ-UBND ngày 15/4/2011 về nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2015.
Ngoài ra, còn phải kể đến Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 19/7/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy chế Phối hợp quản lý cụm công nghiệp; Kế hoạch số 588/KH-UBND ngày 20/5/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2015; ban hành Quy định Quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, Quy định Chuyển nhượng dự án đầu tư và Hệ thống Tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư trên địa bản tỉnh.
Nhằm cải thiện môi trường sản xuất - kinh doanh, tỉnh đã xây dựng, phê duyệt, công khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực để các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết, công khai quy hoạch sử dụng đất, lựa chọn hình thức giao, cho thuê, nhà đầu tư được thỏa thuận với người có đất để thuê làm mặt bằng sản xuất - kinh doanh với thời gian dài nhất, giá thấp nhất trong khung, xây dựng kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp …
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung thủ tục hành chính, công khai trên website của cơ quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
để nâng cao trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh đã tổ chức được 7 lớp đào tạo với các chuyên đề: khởi sự, quản trị, quản lý dự án và đấu thầu, kế toán doanh nghiệp…, với hàng ngàn lượt học viên tham gia.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực, tỉnh đã đầu tư nâng cấp Trường cao đẳng Nghề thành trường trọng điểm của tỉnh về đào tạo nghề; Trung tâm Dạy nghề Thanh Liêm thành Trung cấp Nghề công nghệ Hà Nam… đầu tư xây dựng và thiết bị cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Đến nay, tỉnh có 21 cơ sở dạy nghề, mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 17.000 lao động.
Tỉnh Hà Nam cũng đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh trợ giúp tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, kiến thức về xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế.
Những hạn chế và giải pháp đến năm 2015
Do ảnh hưởng của khủng hoảng, suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, nên tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 255 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, 211 doanh nghiệp phục hồi hoạt động, 101 doanh nghiệp phải tuyên bố giải thể.
Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, còn thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp, thông tin thị trường, thương mại quốc tế. Nguồn vốn đầu tư phát triển, mở rộng còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay tín dụng. Hiệu quả hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn thấp, nhất là các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài quốc doanh.
Việc đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách địa phương còn hạn chế, số nộp ngân sách hàng năm chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn. Sự liên doanh, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp của tỉnh còn yếu.
Mục tiêu trong giai đoạn năm 2013 - 2015 của tỉnh Hà Nam là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; tăng tốc độ phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 733 doanh nghiệp; tăng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp vào GDP của tỉnh đạt trên 50%; phấn đấu mỗi năm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo chỗ làm việc mới cho trên 11.000 lao động; phấn đấu có trên 60% doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin và tư vấn doanh nghiệp; phấn đấu mỗi năm đào tạo bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp… 40% doanh nghiệp trở lên được trợ giúp pháp lý.
Để thực hiện mục tiêu trên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam được thành lập, nhằm thúc đẩy sự hợp tác đầu tư vào xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp, đồng thời là cầu nối giữa cộng đồng doanh nhân và lãnh đạo địa phương.
Đặc biệt, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
- Các ngành, các cấp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi các quy định đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục nhanh gọn hơn nữa. Các cơ quan cần nâng cao chất lượng cán bộ công chức, nhất là cán bộ ở các bộ phận một cửa, một cửa liên thông, các phòng ban trực tiếp xử lý các công việc liên quan đến quy hoạch đầu tư, thuế, đất đai…, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh.
- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thực hiện nghiêm và nhanh chóng các ưu đãi đầu tư, chính sách khen thưởng thu hút đầu tư.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức các hội chợ - triển lãm, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước để doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường.
- Lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp thường xuyên gặp gỡ, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm. Đôn đốc, rà soát, giúp các dự án đang đầu tư mới đi vào hoạt động để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, thu hồi vốn, tạo tăng trưởng kinh tế, thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý cho doanh nghiệp trên địa bàn. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp.
(*) Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam
Mai Tiến Dũng (*)