Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội: "Cuộc chiến" vào lớp 10 bắt đầu
D.Ngân - 30/03/2024 08:02
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay được dự đoán rất "nóng" khi số học sinh tốt nghiệp THCS tăng lên khoảng 5.000 so với năm học trước.

Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội được xem là cạnh tranh, khốc liệt hơn cả kỳ thi đại học. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước).

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội đang bước vào giai đoạn nóng khi thời gian Sở Giáo dục và Đào tạo công bố môn thi chỉ còn tính bằng ngày.

Trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Có nghĩa là, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội vào 8-9/6 tới đây, dự kiến khoảng 81.200 em đỗ vào các trường công lập, còn lại khoảng 51.800 em sẽ theo học trường tư hoặc trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường cao đẳng.

Theo Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2024 - 2025 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, các trường THPT tư thục ở Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển học sinh vào lớp 10.

Điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay là học sinh đăng ký dự tuyển trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của trường tư thục. Các trường THPT tư thục được tuyển học sinh vào lớp 10 là học sinh cư trú tại Hà Nội, không phân biệt khu vực tuyển sinh.

Hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, căn cứ vào: Điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập không chuyên năm học 2024-2025; kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp trung học cơ sở, nếu học sinh lưu ban lớp nào, thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó và các quy định khác của quy chế tuyển sinh.

Về thời gian, học sinh đăng ký dự tuyển (theo hình thức trực tuyến) vào các trường trung học phổ thông tư thục từ ngày 19/4.

Học sinh trúng tuyển lớp 10 các trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố sẽ xác nhận nhập học và nộp hồ sơ nhập học chậm nhất vào ngày 22/7.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có gần 100 trường THPT tư thục. Năm học 2024-2025, số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 51.800 học sinh.

Chính vì độ "nóng" như vậy nên nhiều trường tư thục yêu cầu các phụ huynh phải đóng phí giữ chỗ. Mức phí này dao động ở các cơ sở khác nhau, cá biệt có trường lên tới 23 triệu đồng.

Theo đó, trường THPT Archimedes Academy (Đông Anh, Hà Nội) tạm thời có phí ghi danh cao nhất là 23 triệu đồng; học phí hằng tháng là 8 triệu đồng. Một số trường khác có mức phí trên 10 triệu đồng là Việt - Úc Hà Nội, Lý Thái Tổ, Newton, Lương Thế Vinh, Sentia, Hà Nội Academy. 

Với các trường còn lại, mức phí phổ biến là 2 - 5 triệu đồng. Việc đưa ra số tiền cọc theo đại diện một số trường là để hạn chế "tỷ lệ ảo", đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đây cũng là lý do các trường tư thục khác đặt ra phí đặt cọc.

Thực tế, có phụ huynh bỏ tiền để đặt cọc cho con vào 2-3 trường tư thục, với tổng chi phí đến 50 - 60 triệu đồng nhưng sau đó có thể bỏ cọc vì con đỗ nguyện vọng cao hơn hoặc nhận thấy các khoản phải đóng góp trong 3 năm học không phù hợp với khả năng chi trả của gia đình. Tuy nhiên với những phụ huynh không có điều kiện để đóng thì việc đóng phí giữ chỗ này là quá sức với họ.

Đại diện Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, với 591 cơ sở giáo dục tư thục, hằng năm ngoài hướng dẫn công tác chuyên môn, Sở đã tham mưu cho thành phố ban hành văn bản chỉ đạo tuyển sinh các lớp đầu cấp. Qua theo dõi, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, hướng dẫn của Bộ, Sở.

Với các hiện tượng thu phí giữ chỗ, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về thi, tuyển sinh; quán triệt, yêu cầu sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra trong tuyển sinh đầu cấp.

Tin liên quan
Tin khác