Ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội |
Ông có hài lòng với thứ hạng mới của Hà Nội trong PCI 2018 không? Có điểm gì ông cảm thấy đáng ra có thể làm được hơn không?
Chúng tôi lúc nào cũng mong muốn làm tốt hơn nữa. Nhưng phải thẳng thắn, thứ hạng thứ 9 của Hà Nội là một sự vui mừng.
Nhưng đúng là có thể làm tốt hơn, không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác. Hiện tại, tỉnh cao điểm nhất là Quảng Ninh mới 70,36 điểm. Hà Nội mới đạt 65,40. So với điểm tối đa là 100, vẫn còn một khoảng xa để phấn đấu.
Trong số 10 chỉ số thành phần của PCI, tính năng động của chính quyền tỉnh của Hà Nội vẫn thấp, mới đạt 5,13 điểm. Có phải đây là điểm nghẽn khiến Hà Nội nhiều năm khó bứt phá?
Vài năm trước, nhận xét này là đúng. Giai đoạn 2014-2016, điểm cho chỉ số này luôn dưới 4. Năm 2016, chúng tôi đã nghiên cứu, xác định việc cải thiện chỉ số này là ưu tiên của Hà Nội trong kế hoạch tăng thứ hạng trong Bảng Xếp hạng PCI.
Nhưng năm nay, tình hình đã vươn lên. Chỉ số tính năng động của chính quyền của Hà Nội đã đạt được 5,13 điểm. Đây là kết quả của sự cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố.
Phải thẳng thắn, đây vẫn là số điểm trung bình, thưa ông?
Nói đến Hà Nội là nói đến một nơi có 260379 doanh nghiệp, chỉ sau TP.HCM. Do đó, các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp cũng như điều hành của chính quyền để đảm bảo phục vụ tốt cho doanh nghiệp là một vấn đề lớn.
Để có được những đánh giá tích cực của doanh nghiệp không hề dễ dàng. Theo Khảo sát PCI 2018, có 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%).
Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó, xuống còn 5% trong năm vừa qua.
67% doanh nghiệp cho biết được tháo gỡ vướng mắc kịp thời (năm 2017 là 57%); 87% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết, phản hồi của các cơ quan chính quyền tại Hà Nội (tăng 22% so với năm 2017)…
Chúng tôi đã nỗ lực trong thời gian vừa qua, có thể nói là tương đối vượt bậc, để đạt được mức điểm này. Hy vọng trong năm 2019, sẽ có những bứt phá tiếp trong các chỉ số của Hà Nội, trong đó có chỉ số về tính năng động của chính quyền tỉnh.
Theo ông, bao giờ thì Hà Nội lọt Top 5 PCI?
Trong kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hà Nội, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt top 10. Năm nay, Hà Nội đứng thứ 9, vượt kế hoạch trước hai năm.
Mơ ước của những năm tới là tiếp tục tăng hạng. Tôi nghĩ việc này không phải đơn giản, vì tất cả các địa phương đều cố gắng, nên Hà Nội sẽ phải cố gắng nhiều hơn.
Hà Nội có thể tận dụng thời cơ Chính phủ đang rất quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để đi nhanh hơn trong kế hoạch này không?
Ngay khi Nghị quyết 02 của Chính phủ được ban hành vào ngày 1/1/2019, Hà Nội ban hành chương trình hành động để thực hiện, trong đó có nội dung liên quan đến cải thiện các chỉ số PCI trong năm 2019.
Với các công việc rất cụ thể đã được xác định, chúng tôi tin là PCI 2019 của Hà Nội sẽ tiếp tục có tin vui. Tôi nói vậy vì tin vào sự điều hành của chính quyền thành phố với các vấn đề của doanh nghiệp.
Đặc biệt, mối liên hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp được cải thiện rất rõ ràng. Các cuộc đối thoại, cuộc gặp để giải quyết vướng mắc luôn được cả chính quyền và các hiệp hội quan tâm, đặt ưu tiên.
Thứ hạng tốt của Hà Nội trong PCI 2018 vừa qua cũng nhờ sự tham gia rất tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nỗ lực chung giải quyết khó khăn cho hoạt dộng của doanh nghiệp.