Du khách trải nghiệm du thuyền Jade of River trên sông Hồng |
Du lịch đường thủy gần như bế tắc
Sông Hồng từng được Tạp chí Rianovosti của Nga bình chọn là một trong 18 thắng cảnh đẹp nhất thế giới. Không chỉ cung cấp lượng phù sa khổng lồ, giúp những cánh đồng đôi bờ thêm màu mỡ, trù phú, con sông này còn tạo nên cảnh quan vô cùng ấn tượng cho vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Hà Nội nói riêng.
Có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160 km, trên địa bàn 15 quận, huyện, thị xã gồm Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, trong đó có tới 40 km qua nội đô. Bởi thế, sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan chủ đạo, không gian kết nối đô thị trung tâm Hà Nội.
Dọc tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn Hà Nội có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề đặc sắc như đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), đền Ghềnh (quận Long Biên), đền Dầm (huyện Thường Tín), làng gốm cổ Bát Tràng… Cùng với đó là cây cầu Long Biên cổ kính hơn 100 tuổi, cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Hà Nội và nhiều làng chài, trang trại, vườn ven sông, hứa hẹn hấp dẫn du khách.
Giàu tiềm năng là vậy, nhưng lâu nay, du lịch sông Hồng gần như bị bỏ quên. Hiện TP. Hà Nội vẫn chưa có bến tàu đạt chuẩn. Công ty cổ phần Thăng Long GTC là một trong 2 đơn vị khai thác các tour du lịch sông Hồng với những điểm dừng chân tại chùa Bồ Đề, cầu Chương Dương, cầu Long Biên, cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long, đình Chèm, đền Dầm, làng gốm Bát Tràng kết hợp tham quan đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên). Trung bình mỗi năm, tuyến du lịch này chỉ thu hút khoảng 300.000 lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế chiếm 30%.
Mới đây, Tập đoàn Aclass Cruises Group đưa du thuyền Jade of River khai thác trên sông Hồng, mang đến trải nghiệm đẳng cấp hơn cho du khách với sức chứa tối đa 99 người. Tuy nhiên, hiện du thuyền này chưa có tour nghỉ đêm, chỉ có tour trong ngày và khách thường mua các gói tour trải nghiệm trong khoảng 3 - 5 giờ.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Tập đoàn Lux Group cho hay: “Nhiều khách than với tôi là đến Hà Nội buồn quá. Hồ Tây vô cùng rộng lớn, dọc sông Hồng trải dài nên thơ nhưng chẳng có hoạt động du lịch nào. Du lịch Hà Nội vẫn chủ yếu bám theo di sản, chưa phát huy được các giá trị, tiềm năng. Trong khi đó, Singapore, một quốc đảo nhỏ bé, ít tài nguyên, nhưng họ có rất nhiều hoạt động, từ nghệ thuật văn hóa, triển lãm, đến các hoạt động trên mặt nước”.
Mổ xẻ nguyên nhân tour du lịch sông Hồng chưa trở thành sản phẩm đặc sắc của Thủ đô, ông Phạm Hà cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là Hà Nội chưa có bến du thuyền, cầu cảng, cũng không có bến thủy nội địa, dẫn đến việc phát triển du lịch đường thủy gần như bế tắc.
“Chúng tôi có nhu cầu phát triển du thuyền cho khách tham quan sông Hồng ngược lên phía Bắc đến miền đất Tổ hoặc xuôi xuống Hạ Long, nhưng không thể thực hiện”, Chủ tịch Lux Group chia sẻ.
Cần cơ chế hấp dẫn thu hút nhà đầu tư
Ông Tạ Minh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thăng Long cũng thừa nhận, mặc dù tour du lịch sông Hồng đã được doanh nghiệp này khai thác khoảng 20 năm nay, nhưng chưa thể tạo thành sản phẩm thực sự đặc sắc của Thủ đô. Nguyên nhân là chưa có cầu cảng, cảnh quan, vệ sinh trên sông cũng như hai bên bờ chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách. Ngoài ra, mùa khô, nước cạn, tàu cập bến rất khó, doanh nghiệp tổ chức tour du lịch sông Hồng phải dừng tàu ở ngoài lòng sông, dùng xuồng "tăng bo" đưa khách vào bờ…
Để phát triển tour du lịch sông Hồng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, một công ty du lịch không thể làm được, mà cần có chính sách nhất quán, đồng thuận từ thành phố đến huyện, xã sở tại. Trước tiên, cần dọn dẹp khu vực bờ sông có tàu đi qua để có cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Nếu như trước đây ven sông Hồng là những ngôi nhà mái ngói nhấp nhô, thơ mộng sau lũy tre làng, thì bây giờ là những ngôi nhà ống, nhà tầng mọc lên theo kiểu tự phát, hoàn toàn không có sự đầu tư, quy hoạch.
“Do đó, khi triển khai quy hoạch sông Hồng, các cơ quan chức năng, nhà đầu tư cần khắc phục triệt để tình trạng này. Đồng thời, cần đầu tư những tàu du lịch, du thuyền hiện đại, sang trọng, giúp du khách có những trải nghiệm tuyệt vời nhất”, ông Thắng nói.
Để có thêm sản phẩm du lịch sông Hồng đặc sắc, ông Phạm Hà hiến kế, Hà Nội hoàn toàn có thể cho phép bay thủy phi cơ từ Hồ Tây xuống Hạ Long, để khách không cần vất vả ra sân bay Nội Bài mới trải nghiệm được. Cùng với đó, hạ tầng du lịch phải không ngừng được đổi mới để du khách không chỉ đến một lần, mà đến nhiều lần. Khu vực ven sông Hồng có thể triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn hai bên bờ sông cũng như những công trình mang tầm cỡ gắn liền với sự phát triển của sông Hồng. Đặc biệt là chiếu sáng cho sông Hồng đẹp cả ngày lẫn đêm và cho du thuyền chạy trên sông để du khách có thể trải nghiệm.
Cũng theo ông Phạm Hà, sông Hồng là nơi lý tưởng để phát triển kinh tế đêm với nhiều trải nghiệm đặc sắc. Trên cầu Long Biên, hoàn toàn có thể tạo ra được khu vực kinh tế đêm nhộn nhịp. Dưới chân cầu có thể tổ chức những chương trình nghệ thuật văn hóa, triển lãm tại những trụ cầu ở bên dưới. Có thể mô phỏng 36 làng nghề, 36 phố phường của Hà Nội. Mỗi ô bán những sản phẩm trải nghiệm, đồ thủ công mỹ nghệ của những ngôi làng. Hay tổ chức những đêm nhạc, những chương trình văn hóa nghệ thuật giúp cây cầu di sản trở thành không gian hấp dẫn.