Mức giải ngân trung bình của các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách của Hà Nội trong 5 tháng đầu năm 2019 mới chỉ đạt 15,8% kế hoạch cả năm. |
Đầu năm… đói góp
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vừa cho biết, mức giải ngân trung bình của các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách của Thành phố trong 5 tháng đầu năm 2019 mới chỉ đạt 15,8% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, đây đều là các dự án quan trọng, có ý nghĩa dân sinh như xây dựng, giao thông, văn hóa, môi trường, cấp thoát nước...
Đơn cử, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đến nay mới giải ngân được 9.000/33.000 tỷ đồng (đạt 27,3%) do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, mặt bằng xen kẹt khiến việc thực hiện bị ngắt quãng, kéo dài. Một số dự án, hoặc thành phần dự án khác cũng trong cảnh chậm tiến độ dẫn đến giải ngân thấp dưới 5%, như đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục thuộc Dự án Đường vành đai 1; Dự án quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận Thanh Trì... cũng do chậm trễ khâu giải phóng mặt bằng.
Không những vậy, theo ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, việc bố trí vốn thiếu so với yêu cầu cũng gây bất lợi cho quá trình triển khai Dự án. “Ngoài hai lý do trên, thời gian phê duyệt điều chỉnh hạng mục, tổng mức đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán khi thực hiện cũng khiến thời gian thực hiện thêm kéo dài”, ông Hiếu cho hay.
Phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) dự báo, hết tháng 6/2019, tỷ lệ giải ngân có thể đạt 32,5%. Theo ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước, con số này tương đương cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, ông Chương cho rằng, cần xác định một thực tế là, tốc độ và kết quả giải ngân không thể diễn ra đồng đều qua các tháng, mà thường đạt mức thấp vào thời điểm đầu năm.
Nguyên nhân là các bên liên quan, chủ đầu tư phải tập trung hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các bước chuẩn bị khá phức tạp, mất thời gian. Khi mọi việc đã suôn sẻ, vào đà thì kết quả giải ngân có thể tăng mạnh, liên tục vào dịp cuối năm.
Cuối năm “no dồn”
Hà Nội là địa phương có nguồn vốn đầu tư trung hạn lớn so với nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Song việc triển khai nguồn vốn này còn gặp một số vướng mắc, khó khăn, thậm chí chậm tiến độ thực hiện nên không thể phản ánh đúng thực trạng triển khai dự án.
Mới đây, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội (đơn vị đang thực hiện 18 dự án, trong đó có 12 dự án cam kết sẽ hoàn thành năm 2019, 6 dự án hoàn thành giai đoạn 2019-2020) đã thông báo thu hồi đất, đồng thời cùng UBND quận Ba Đình, quận Đống Đa giải phóng mặt bằng phạm vi thi công 2 cầu vượt trước để khởi công Dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục và dự án Khu liên cơ quan Vân Hồ trong quý III/2019.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tiến độ thời gian thực hiện với hơn 20 dự án xây dựng cơ bản để bảo đảm điều kiện giải ngân. Ngoài ra, đối với tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2019, 2020, TP. Hà Nội đã đề nghị các chủ đầu tư thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao của các dự án ngay từ những tháng đầu năm, nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm không thấp hơn 50% kế hoạch vốn được giao, phấn đấu kết thúc năm ngân sách, giải ngân đạt 100% kế hoạch giao, tránh tình trạng “no dồn, đói góp” trong giải ngân dự án.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Nội vụ và Thanh tra Thành phố sẽ kiểm tra các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách có số vốn giải ngân 3 tháng liên tiếp thấp hơn mức giải ngân chung của Thành phố hoặc 2 tháng liền không thực hiện chế độ để báo cáo theo quy định”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.