Dự án Khu đô thị Tiến Xuân - một trong những dự án "đóng băng" |
Một thập niên bỏ hoang
Nằm trong số hàng trăm dự án bất động sản được cấp phép đầu tư trước thời điểm Hà Nội sáp nhập địa giới hành chính với Hà Tây và một phần Hòa Bình, Vĩnh Phúc, đến thời điểm này, Khu đô thị Tiến Xuân vẫn nằm bất động trong gần 10 năm qua, gây bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương khi mọi hoạt động sản xuất, xây dựng trong khu vực Dự án bị đóng băng.
Theo thông tin từ chủ đầu tư Dự án - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), Khu đô thị Tiến Xuân được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận đầu tư từ trước năm 2007. Việc thu hồi đất được thực hiện từ đầu tháng 3/2008 với Quyết định số 420/QĐ - UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký thu hồi và giao 1.210 ha đất các loại cho Sudico.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất Sudico quý II/2017, tính đến ngày 30/6/2017, chi phí mà Sudico đầu tư vào Khu đô thị Tiến Xuân là 144,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này đến từ khoản lãi phát sinh chi phí đầu tư những năm trước đây, số tiền giải ngân cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không đáng kể.
Lý giải về sự chậm trễ của Dự án Khu đô thị Tiến Xuân, ông Trần Anh Đức, Tổng giám đốc Sudico cho biết, nguyên nhân thứ nhất là do biến động của thị trường và nội bộ Sudico. Nguyên nhân thứ hai là do Dự án nằm trong Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, nên buộc phải dừng triển khai chờ quy hoạch chung được phê duyệt.
Để tái khởi động dự án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND TP. Hà Nội cho phép Sudico được tiến hành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 song song với quá trình nghiên cứu Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Hiện Công ty đang triển khai công tác lập quy hoạch 1/500 dự án.
Giao lại cho nhà đầu tư có năng lực
Trên địa bàn huyện Quốc Oai, ngoài Dự án Khu đô thị Tiến Xuân, nhiều dự án khác cũng bị các chủ đầu tư bỏ hoang như Khu biệt thự nhà vườn, nghỉ dưỡng sinh thái Việt Nam; Khu dân cư Đại Xuân; Khu đô thị Việt Hà; Khu đô thị cao cấp; Khu biệt thự, nhà vườn núi Voi... Các huyện Mê Linh, Đông Anh… cũng có không ít dự án đã đăng ký từ hàng chục năm trước, nhưng không triển khai hoặc triển khai rất chậm.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây đã có văn bản gửi Thường trực HĐND Thành phố liên quan đến việc rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp đất cho doanh nghiệp nhưng bị bỏ hoang nhiều năm. Theo đó, với những dự án không triển khai, Thành phố sẽ thực hiện thu hồi lại đất để sử dụng vào mục đích khác.
Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở này đã triển khai 13 đoàn thanh, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, đã lập hồ sơ trình UBND Thành phố ban hành 2 quyết định thu hồi tổng diện tích 100.944 m2. Đơn vị này cũng đang lập hồ sơ trình Thành phố thu hồi 3 dự án với tổng diện tích 48.454 m2; đề nghị gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 24 tháng đối với 14 dự án.
“Sắp tới, Hà Nội sẽ tăng cường đốc thúc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ khi đăng ký đầu tư dự án. Chủ đầu tư nào cố tình kéo dài thời gian thực hiện dự án, UBND Thành phố sẽ đề nghị thu hồi dự án”, ông Đông cho biết.
Điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất Đai 2013 quy định, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì bị thu hồi nếu không gia hạn.
Chủ đầu tư được gia hạn sử dụng đất 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.